(VTC News) – Những cảm xúc mới mẻ xen lẫn hoài niệm năm tháng được Hồng Nhung, Mỹ Linh và ê kíp liveshow Người Hà Nội vẽ nên đầy xúc động vào đêm qua (19/7) tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Về đề tài Hà Nội, ở thời điểm này, khi cuối hạ chuẩn bị vào mùa thu, nhiều nhà sản xuất sẽ nghĩ đến như một duyên cớ đáng yêu để tổ chức chương trình. Người Hà Nội, liveshow 7 của chuỗi chương trình In the spotlight cũng vậy.
Bỏ qua những ồn ào bên lề như chuyện cắt băng rôn trong đêm và cả việc Tùng Dương được thay thế bằng Quang Dũng khi không thương lượng được về mặt thời gian, chương trình đêm qua đã đọng lại nhiều dư vị, của nhịp sống đương đại và những hoài niệm phố phường.
Hồng Nhung khắc khoải, ai oán trong Ngẫu hứng sông Hồng - Ảnh: Hải Bá |
Liveshow thứ 7 áp lực bởi thành công đó và cũng là lý do buộc những người làm chương trình tiếp tục tung chiêu, khoe tài năng. Chương trình bắt đầu bằng bản Tiến quân ca được phối cho saxophone khiến đêm nhạc trở nên đặc biệt.
Hồng Nhung dù bị lạc giọng từ lúc tổng duyệt chương trình, do sức khỏe, nhưng đã đãi người nghe những bất ngờ cả trong giọng hát lẫn yếu tố trình diễn. Ngẫu hứng sông Hồng (Trần Tiến) được Bống hát khắc khoải, ai oán.
Áo tứ thân, guốc mộc, ngồi gõ mõ và chải tóc trên sân khấu, giọng hát có chút nghẹn ngào, Hồng Nhung thể hiện quá tốt hình ảnh người đàn bà góa với nhiều uẩn ức. Bản phối khí này, cách hát và biểu diễn này, giống như một nét cọ mạnh chấm phá vào bức tranh tổng thể chương trình.
Chị Bống nhí nhảnh cùng Phố cổ (Nguyễn Duy Hùng). |
Những ca khúc Bống hát, khiến người nghe liên tưởng đến câu chuyện chị nói, giống như người ta nghe từ âm thanh loa phường, lúc nào cũng to hết cỡ, nhưng vẫn thấy những tình yêu, niềm tự hào về nơi mình sinh ra – Hà Nội.
Ngoài ra, Hồng Nhung còn rất tung tẩy theo cách riêng của mình, với Phố cổ (Nguyễn Duy Hùng). Đây là ca khúc không mới với Hồng Nhung nhưng đặt trong tương quan chương trình, cũng khá thú vị.
Mỹ Linh biểu diễn với rất nhiều cảm xúc. |
Mỹ Linh của đêm nhạc này, hát rút ruột và bằng những kỷ niệm. Chị cũng chia sẻ về tuổi thơ của mình với những kỷ niệm khó quên, sống và trưởng thành trên một con phố nhỏ, căn nhà nhỏ 16 mét vuông và 5 người ở. Đó là những ngày tháng thanh bình, những tháng năm khó khăn mà trong trẻo, nghĩa tình.
Mỹ Linh hát về nỗi lòng của người Hà Nội xa xứ với Ngày xưa Hà Nội, một tác phẩm ít phổ biến của Anh Quân – Huy Tuấn và tác giả Mai Lâm, viết trong những tháng ngày còn là sinh viên tại Đức. Cũng rất lâu rồi, ca khúc Mùa thu Hà Nội (Vũ Thanh) và Chiều Hà Nội (Vũ Quang Trung) mới được cất lên trên sân khấu. Mỹ Linh hát những ca khúc này trong tràng vỗ tay rộn ràng của khán giả.
Mỹ Linh song ca cùng Hồng Nhung. |
Đặc biệt với bản phối khí theo phong cách R&B của Mong về Hà Nội (Dương Thụ), Vũ Thắng Lợi cũng chiến thắng chính mình khi tung tẩy trên nền nhạc, để biến hóa trong giọng hát tưởng như chỉ cất lên là ra chất thính phòng.
Trước khi tham gia chương trình này, Vũ Thắng Lợi đã vô cùng hồi hộp. Đây là sự kiện lớn trong đời nghệ sỹ của anh. Tất nhiên có cả những áp lực khi hát chung với những đàn chị tên tuổi. Sự hồi hộp ấy mang lên cả sân khấu, khiến đôi lúc trò chuyện, Vũ Thắng Lợi quên cả việc giới thiệu bài hát.
Vũ Thắng Lợi hào sảng và chững chạc. |
Quang Dũng hát Gửi người em gái (Đoàn Chuẩn – Từ Linh), Nỗi lòng người đi (Anh Bằng) với những khắc khoải của riêng mình. Và sẽ hay hơn nếu anh yêu một cô gái Hà Nội – như Hồng Nhung nói.
Quang Dũng tình tứ vẽ Hà Nội. |
Kết thúc chương trình, ca khúc Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi cất lên như một vĩ thanh đáng nhớ với sự góp giọng của Hồng Nhung và Mỹ Linh. Trong vẻ hùng dũng, có sự ngọt ngào lắng đọng và mới mẻ bởi bản phối, hai diva trải ra cho người nghe một bức tranh với đầy đủ tình yêu, sự tự hào về thành phố. Và hẳn nhiên cho thấy, cái tên Người Hà Nội đặt cho chương trình này là lựa chọn đúng đắn nhất.
Người Hà Nội sẽ còn một đêm diễn ra tối nay (20/7) tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Trần Lê
Bình luận