• Zalo

Hỗn loạn và bạo lực trong cuộc bầu cử ở Thái Lan

Thế giớiChủ Nhật, 02/02/2014 07:26:00 +07:00Google News

Ngày 2/2, Thái Lan đã trải qua một ngày bầu cử hỗn loạn và bạo lực, đặc biệt là ở thủ đô Bangkok, sau khi những người biểu tình huy động lực lượng chặn nhiều ngả đường vào khu vực bỏ phiếu.


Tại khu vực bỏ phiếu của một quận trung tâm thủ đô đã xảy đụng độ bằng súng giữa những người phản đối bầu cử và cử tri đi bỏ phiếu.

Những người phản đối bầu cử thuộc Phong trào biểu tình chống chính phủ do ông Suthep Thaugsuban chỉ huy đã dùng rào chắn di động để chặn các ngả đường vào nơi bỏ phiếu.

Người biểu tình dựng cả sân khấu để kêu gọi cư tri và người dân tại quận này tẩy chay bầu cử. Cảnh sát và quân đội cũng phải lập hàng rào cách chỗ người biểu tình 500m để ngăn cản khả năng xảy ra đụng độ với cử tri và người dân địa phương.

Làn sóng biểu tình phản đối Chính phủ tiếp diễn rầm rộ ở Bangkok ngày 2/2. (Nguồn: Kyodo/ TTXVN)

Bà Sunicha Mai-ieam, một cử tri, nói: "Hôm nay, chúng tôi có mặt tại đây để thực hiện quyền bầu cử của mình. Nhưng những người biểu tình chống chính phủ đã chặn hết cả ngả đường. Họ có thể chặn đường, nhưng chúng tôi cần lấy hòm phiếu để thực hiện quyền của lợi của mình. Họ đã dùng súng để chống lại chúng tôi."

Căng thẳng đã bất ngờ được đẩy lên khi một số cử tri vượt qua hàng rào cảnh sát để tiến về phía người biểu tình.

Mục tiêu của người biểu tình trong việc bao vây khu vực bầu cử là nhằm ép các quan chức bầu cử tại khu vực đó tuyên bố đóng cửa và họ đã thực hiện thành công. Trong khi đó, cử tri tại khu vực này chỉ có thể được tiếp cận được nơi bỏ phiếu sau khi người biểu tình rút đi.

Quá bức xúc về cách giải quyết của các quan chức ủy ban bầu cử, cử tri đã tổ chức phản đối và kêu gọi giám đốc ủy ban bầu cử khu vực này từ chức. Một số cử tri quá khích thậm chí còn đẩy cửa xông vào khu vực làm việc, đòi lấy hòm phiếu ra để họ tổ chức bầu cử.

Anh Kanuphong Kannat, sinh viên, cho biết: "Mỗi người điều có quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Những người biểu tình có quyền phản đối trên đường phố, nhưng họ không có quyền ngăn cản người khác thực hiện quyền công dân của mình. Sau khi giải tán Quốc hội, chúng ta phải thực hiện cuộc bầu cử theo thể chế dân chủ. Tuy nhiên, họ lại ngăn cản không cho các quan chức bầu cử lấy hòm phiếu ra để tổ chức bầu cử. Hiện tại, tôi đang có mặt ở đây để làm đơn trình báo việc mình chưa được thực hiện quyền bầu cử."

Cảnh sát đã cho triển khai 130.000 nhân viên và sỹ quan cùng với 47 đại đội lính nhằm thực hiện công tác bảo đảm an ninh. Nhiều cảnh sát chống bạo động cũng đã được triển khai, nhưng bạo lực vẫn bùng phát ở một vài nơi.

Trước cuộc bầu cử một ngày, một vụ đọ súng giữa hai phe ủng hộ và phản đối biểu tình đã nổ ra khiến 7 người bị thương, trong đó có hai phóng viên.

Tại cuộc bầu cử lần này, có 48 triệu cử tri đủ tư cách đi bỏ phiếu trong tổng số 65 triệu người.

Đảng Dân chủ đối lập chính tại Thái Lan đã quyết định tẩy chay, trong khi Phong trào biểu tình cố gắng ngăn cản việc bỏ phiếu diễn ra thành công nhằm tạo điều kiện cho tòa án có thể can thiệp bằng một quyết định không công nhận kết quả bầu cử.

Ngoài việc bao vây các điểm bỏ phiếu, người biểu tình còn tổ chức cắm trại trên nhiều tuyến phố nhằm khiến giao thông ở thủ đô tê liệt, gây khó khăn cho công tác chuyển hòm phiếu và cản trở cử tri.

Theo Ủy ban bầu cử quốc gia, trong vòng bảy ngày, sau ngày tổng tuyển cử, cử tri nào chưa đi bỏ phiếu có thể trình báo và được quyền đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử mới do ủy ban bầu cử quy định. Nhiệm vụ chính của Ủy ban bầu cử quốc gia là phải đảm bảo tiến trình bầu cử diễn ra công bằng và trung thực. Họ có quyền tuyên bố kết quả.

Trường hợp bầu cử chưa được tổ chức một cách công bằng, họ có thể công bố không công nhận kết quả bỏ phiếu hoặc ra lệnh tổ chức vòng bỏ phiếu mới.

Hạ viện thông qua bầu cử của Thái Lan có 500 nghị sỹ, với 375 người được lựa chọn thông qua khu vực bầu cử, 125 người được lựa chọn thông qua danh sách đảng và trên toàn quốc có tổng cộng 375 khu vực bầu cử./.
Bình luận
vtcnews.vn