Chính phủ Nhật Bản cách đây vài ngày tuyên bố hoàn tất việc mua hòn đảo hoang Mageshima nằm giữa hai tỉnh Kyushu và Okinawa (Nhật Bản) với giá 16 tỷ yên (146 triệu USD).
Nhật Bản dự định sẽ phát triển đảo này thành một căn cứ quân sự phục vụ cho quân đội Nhật và Mỹ. Trước đó, hòn đảo này thuộc sở hữu của một công ty tư nhân.
Hòn đảo này có 2 đường băng chưa trải nhựa, tàn tích từ một dự án trong quá khứ. Tokyo nói sẽ xây dựng lại các đường băng này để Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ mô phỏng việc hạ cánh trên các tàu sân bay.
Mageshima cũng có thể trở thành căn cứ thường trực cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản khi Tokyo tìm cách củng cố vị thế của mình dọc theo biển Hoa Đông.
“Việc mua lại đảo Mageshima là cực kỳ quan trọng và phục vụ cho việc tăng cường khả năng răn đe của liên minh Nhật - Mỹ cũng như khả năng phòng thủ của Nhật Bản”, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói.
Phần lớn lực lượng chiến đấu không quân của Mỹ tại Nhật Bản đang tập trung ở 6 căn cứ.
Các nghiên cứu gần đây cho biết với các với nguồn lực hiện tại của mình, lực lượng Mỹ dễ bị tên lửa Trung Quốc tấn công trong bất cứ cuộc xung đột nào. Một cách để giảm thiểu khả năng này là tăng cường các khí tài tới các căn cứ của Washington.
"Theo thời gian, việc đa dạng hóa căn cứ Mỹ và Nhật Bản sẽ là một xu hướng. Liên minh sẽ vững chắc hơn nếu các căn cứ và khí tài phân tán nhiều hơn", Corey Wallace, nhà phân tích an ninh khu vực châu Á ở Đại học Freie (Đức) cho hay.
Theo lý thuyết, khi nắm trong tay càng nhiều căn cứ, bạn càng có nhiều tên lửa để tấn công mục tiêu và giành lợi thế trong mọi cuộc chiến.
Với các đảo, nếu bị tấn công, nó sẽ không chìm và có thể hoạt động trở lại, khác với các tàu bay gần như sẽ thành phế liệu trước các đòn tấn công bằng tên lửa hoặc ngư lôi.
Giới chuyên gia nhận định việc mua lại Mageshima đang cố làm hài lòng Mỹ, đồng minh quan trọng của Tokyo trong bối cảnh quan hệ giữa 2 quốc gia có dấu hiệu xấu đi những năm gần đây.
"Ông Trump muốn Nhật trả nhiều tiền hơn. Việc mua đảo là một phần trong kế hoạch cho thấy Tokyo sẵn sàng chi trả thêm”, Collin Koh, nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nhận định.
Với Mageshima, các phi công Mỹ sẽ tiện hơn rất nhiều khi thực hành các bài tập hạ cánh trên tàu sân bay.
Từ hòn đảo này, họ chỉ cần di chuyển 960 km tới đảo Iwo Jima để thực hiện các cuộc huấn luyện cất và hạ cánh thay vì quãng đường 1.360 km nếu di chuyển từ căn cứ không quân Iwakuni trên đảo chính Honshu.
Bình luận