Mặc dù Washington và Bắc Kinh nối lại điện đàm cách đây hơn 1 tuần, tiến độ chậm chạp của tiến trình đàm phán làm dấy lên nghi ngờ về việc 2 bên có thực sự quay lại đàm phán để vượt qua các khác biệt đang khoét sâu vào tiềm thức mỗi bên hay không.
Cách đây ít ngày, Tổng thống Trump tiếp tục phàn nàn về việc Trung Quốc không mua số lượng lớn hàng nông sản như Chủ tịch Tập Cận Bình từng hứa với ông tại Nhật Bản. Trong khi đó, Mỹ vẫn không thay đổi cách ứng xử với Huawei, một trong các vấn đề mà Bắc Kinh quan tâm hàng đầu.
Washington Post dẫn một nguồn thạo tin cho biết, với tình trạng xung đột thương mại kéo dài như hiện nay, việc 2 nước tiến tới một thỏa thuận khi Tổng thống Trump đang cấp tập chuẩn bị cho chiến dịch tái tranh cử là một điều xa vời.
"Tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng đây không phải là một quá trình 10 phút. Nó là một quá trình lâu dài", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói với Fox Business hôm 17/7.
Theo ông James Green, quan chức thương mại tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, nhiều quan chức Mỹ đang coi các diễn biến trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020 như kim chỉ nam quyết định có nên tiến tới một thỏa thuận với Trung Quốc hay không. Bắc Kinh hiểu được điều này nên hết sức cẩn trọng.
"Vì vậy, đó cũng là một quyết định chính trị ở Trung Quốc", ông Green nhận định.
Ngoài những bất đồng trong cách hiểu của mỗi bên về những gì mà họ nhất trí tại Osaka cuối tháng 6, cả Washington và Bắc Kinh sẽ phải quyết định tiếp tục đàm phán dựa trên thỏa thuận đã sụp đổ vào tháng 5 hay bắt đầu lại từ đầu.
Trong phỏng vấn với Fox, ông Ross bày tỏ hy vọng Trung Quốc đảo ngược quyết định, quay lại các cam kết mà Bắc Kinh từng thực hiện trong nỗ lực giải quyết cuộc chiến thương mại đang diễn ra.
Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Trump hồ hởi chia sẻ Trung Quốc đã đồng ý mua số lượng lớn hàng nông sản Mỹ. Nhưng một thành viên của phái đoàn Trung Quốc nói sau cuộc họp của 2 nhà lãnh đạo rằng Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ các vấn đề liên quan tới nông nghiệp, Washington Post dẫn nguồn tin nắm được thông tin các cuộc trao đổi cho biết.
Tuy nhiên, các nghị sĩ lưỡng viện của Mỹ hôm 16/7 đưa các dự luật nhằm tiếp tục áp dụng các hạn chế chặt chẽ đối với hãng công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc.
"Huawei là mối đe dọa đối với cộng đồng quốc tế và an ninh quốc gia Mỹ. Đã đến lúc Quốc hội phải ra tay để bảo vệ các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ", Hạ nghị sĩ Jimmy Panetta nhấn mạnh.
Ngoài nông nghiệp và Huawei, 2 bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói liên quan tới các vấn đề quan trọng như yêu cầu cải cách cơ cấu của Washington đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Kể từ sau cú trật đường ray hồi tháng 5, các quan chức Trung Quốc nhiều lần khẳng định bất cứ thỏa thuận nào cũng cần phải đáp ứng 3 yêu cầu của họ: xóa bỏ hoàn toàn thuế quan, đáp ứng sức mua thực tế và cân bằng trong một thỏa thuận giữa 2 bên. Mỹ không cho thấy họ sẵn lòng làm vậy.
Hôm 18/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin gợi mở về khả năng đàm phán trực tiếp giữa quan chức 2 bên. Trung Quốc không bình luận về thông tin này.
Các thông tin mới đây về chỉ số tăng trưởng đáng thất vọng của Trung Quốc cũng được cho là đem lại sự tự tin nhất định cho các quan chức Mỹ khi ngồi xuống các bàn phán sắp tới với các đồng nghiệp Trung Quốc.
Ông Stephen Vaughn, người từng là Quyền đại diện Thương mại Mỹ cho rằng sức mạnh kinh tế hiện tại của Mỹ đang đem tới đòn bẩy cho Washington trong các cuộc thương thảo sắp tới.
Bình luận