• Zalo

Hơn 50.000 thông báo vi phạm giao thông bị 'phớt lờ'

Thời sựThứ Bảy, 28/04/2012 12:45:00 +07:00Google News

Công an Hà Nội đã gửi 55.000 thông báo cán bộ, học sinh vi phạm giao thông về địa phương, trường học, song chỉ có hơn 2.000 trường hợp được phản hồi.

Công an Hà Nội đã gửi 55.000 thông báo cán bộ, học sinh vi phạm giao thông về địa phương, trường học, song chỉ có hơn 2.000 trường hợp được phản hồi.

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội) cho biết, đã gửi đi 55.000 thông báo cán bộ, học sinh vi phạm Luật giao thông về công an xã, phường, thị trấn, trường học song chỉ có 3,8% thông báo được phản hồi. Trong số 400 giấy báo gửi tới các trường học, chỉ có 100 giấy được phản hồi.

Tình trạng học sinh THPT ở Hà Nội đi xe máy diễn ra phổ biến. 

"Số lượng thông báo có phản hồi thấp cho thấy trách nhiệm của người đứng đầu rất hạn chế. Chúng tôi đề nghị các cơ quan cần có phản hồi, thông báo kỷ luật người dưới quyền vi phạm giao thông. Nếu không có sự tham gia của toàn dân thì việc giải quyết các vi phạm an toàn giao thông rất khó khăn", ông Ngọc nói.

Theo Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống, tình trạng học sinh vi phạm Luật giao thông vẫn diễn ra phức tạp, nhiều em gửi xe máy ở nhà dân gần trường, khi đi xe thì khoác áo để che logo trường nên rất khó phát hiện. Do vậy, để hạn chế học sinh đi xe máy, cần ngăn chặn từ gia đình. Lãnh đạo Sở sẽ yêu cầu các trường trả lời thông báo của cảnh sát giao thông về học sinh vi phạm.

Ba tháng đầu năm, Cảnh sat giao thông Hà Nội đã kiểm tra, xử lý hơn 223.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 57 tỷ đồng, tạm giữ gần 1.300 ôtô, 6.900 xe máy và trên 48.000 bộ giấy tờ. Lực lượng này hướng dẫn, kiểm tra lại Luật giao thông đường bộ cho 499 người, gửi gần 16.000 thông báo đến các cơ quan, địa phương có người vi phạm...

Thông tư 38 của Bộ Công an quy định, cảnh sát giao thông sẽ chuyển giấy thông báo về công an xã, phường, thị trấn, cơ quan này có trách nhiệm vào sổ theo dõi và chuyển thông báo vi phạm đó đến tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn nơi cư trú của người vi phạm, hoặc đến cơ quan, trường học nếu người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên để kiểm điểm, giáo dục. Sau đó nơi nhận thông báo có trách nhiệm báo lại cho cơ quan đã ra thông báo vi phạm theo phiếu báo. Trường hợp người vi phạm không có địa chỉ cư trú, công tác, học tập thì chuyển trả lại thông báo vi phạm đó cho cảnh sát giao thông.

Theo VNE



Bình luận
vtcnews.vn