• Zalo

Hơn 46.000 HS và giáo viên Hà Nội phải 'chữa ngọng'

Giáo dụcThứ Ba, 15/11/2011 06:52:00 +07:00Google News

(VTC News)- Tại 13 huyện ngoại thành Hà Nội có 22,27% trong số 203.832 học sinh (HS) và 11,80% trong số 10.875 giáo viên (GV) nói và viết sai chữ l, n.

(VTC News) - Thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội khảo sát tại 13 huyện ngoại thành cho thấy có 22,27% trong số 203.832 học sinh (HS) và 11,80% trong số 10.875 giáo viên (GV) nói và viết sai chữ l, n (tạm gọi là ngọng).

Hơn 46.000 học sinh, giáo viên nói ngọng

Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục Tiểu học - Sở GD&ĐT Hà Nội, kết quả khảo sát tại 13 huyện ngoại thành Hà Nội (bao gồm Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức, Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh, Mê Linh, Gia Lâm, Sóc Sơn) cho thấy có 22,27% trong số 203.832 học sinh (HS) và 11,80% trong số 10.875 giáo viên (GV) nói và viết sai chữ l, n (tạm gọi là ngọng - PV). Huyện có tỷ lệ HS nói ngọng nhiều nhất là Mê Linh, kế tiếp là Sóc Sơn…

 

Thậm chí, tại nhiều nơi cán bộ lãnh đạo cấp Ban giám hiệu cũng nói ngọng. Nhiều ý kiến cho rằng, tật nói ngọng có yếu tố lịch sử ở địa bàn Hà Tây cũ và vì nó rất phổ biến nên chính bản thân người nói ngọng không biết, cũng không ai chỉ cho họ cách mà sửa cho đến khi hội nhập với thế giới bên ngoài.

Đây là hiện tượng phổ biến ở các tỉnh, thành thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Có  thể kể ra các địa phương như Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam, Bắc Ninh.

Chia sẻ với VTC News, PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học ĐH KHXH&NV cho rằng đây là một hiện tượng đáng lo ngại. Số liệu thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội cũng như quan sát riêng của PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn cho thấy hiện tượng nói/viết nhầm lẫn  n- và l - giờ đây không chỉ giới hạn ở một, hai địa phương nữa mà có xu hướng lan rộng ra nhiều vùng.

Đáng lo ngại hơn cả, vấn nạn này cũng không chỉ giới hạn ở các nhóm có học vấn thấp mà cả ở nhóm có học vấn cao, thậm chí cả những người làm công tác giáo dục.

“Nếu cứ để hiện tượng này tiếp tục phát triển, lan rộng một cách tự nhiên sẽ dẫn đến những hậu quả không tốt cho tiếng Việt  như phá vỡ các chuẩn phát âm và chính tả,  cản trở quá trình giao tiếp…”. PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn trăn trở.

Theo PGS Nguyễn Hồng Cổn, để trả lời được câu hỏi về nguyên nhân của việc nhầm lẫn “l,n” phải có những nghiên cứu về mặt lịch sử ngữ âm các vùng có cách nói này, nhưng khó mà có được tư liệu để nghiên cứu.

Có ý kiến cho rằng hiện tượng lẫn lộn n- và l- cũng giống như hiện tượng phát âm s- thành x-, tr- thành ch- trong phương ngữ Bắc.

PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn cũng phỏng đoán: "Theo tôi, sự gần gũi về đặc điểm cấu âm (n- và l- đều là 2 phụ âm đầu lưỡi chỉ khác nhau là một âm tắc - mũi và một âm xát -bên) có thể là nguyên nhân của hiện tượng nhầm lẫn này, và ở khía cạnh này nó cũng tương tự như việc phát âm đồng nhất s- với x-, tr- với ch- trong phương ngữ Bắc".

Hiện tượng phát âm sai dẫn đến viết sai chính tả xảy ra khá phổ biến (ví dụ, s- thành x-, tr- thành ch- trong phương ngữ Bắc, ngã thành hỏi, v- thành z- trong phương ngữ Nam, vv). Vì vậy, với những người phát âm lẫn lộn n- và l- thì việc  viết nhầm  n- thành  l-  hay ngược lại cũng là điều dễ hiểu.

Ý thức tự sửa chữa

Theo ý kiến PGS Nguyễn Hồng Cổn, về mặt chủ quan, lỗi này gắn liền với thói quen và ý thức của người sử dụng ngôn ngữ. Vì vậy để chữa được lỗi này, trước hết người nói/viết phải có ý thức tự sửa. Không có ý thức tự sửa,  không cố gắng  phân biệt đúng sai, cân nhắc lựa chọn khi nói, khi viết thì không ai có thể giúp mình khỏi mắc lỗi.

PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học ĐH KHXH&NV (ĐHQGHN) 


Về mặt khách quan lỗi này gắn liến với đặc điểm ngữ âm của các từ ngữ có các  phụ âm đầu n- và l-.  Vì vậy để nói/viết đúng, người nói phải tìm hiểu cách phát âm/viết đúng các từ này thông qua các phương tiện ghi hình,  ghi âm,  từ điển, hay sự trợ giúp  của giáo viên, bạn bè, người thân.

Cũng về mặt khách quan, lỗi này thường gắn liền với môi trường tiếp nhận, giao tiếp ngôn ngữ (trong gia đình, nhóm bạn bè, làng xóm, cơ quan có nhiều người “nói ngọng”), vì vậy để chữa lỗi này cần phải tạm thời tách khỏi môi trường hữu quan trong một thời gian nhất định, đặc biệt là ở giai đoạn bắt đầu chữa lỗi.

Trên thực tế, đầu năm học 2011-2012, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có kế hoạch “Luyện phát âm, viết đúng hai phụ âm đầu: l,n” đối với 13 huyện gồm: Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức, Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh, Mê Linh, Gia Lâm, Sóc Sơn. Kế hoạch này đã được thực hiện từ năm 2010 và tiếp tục triển khai trong năm học này nhằm luyện phát âm, viết đúng hai phụ âm đầu “l, n” đối với giáo viên khối tiểu học của các huyện nói trên.

Ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết, hai năm nay Sở đã yêu cầu các trường tiểu học thường xuyên chú trọng việc sửa phát âm, viết sai khi dạy tiếng Việt, đặc biệt là các phân môn tập đọc, tập viết, tập làm văn. Các trường phải bố trí ít nhất 1-2 tiết/tuần để luyện tập, chữa ngọng cho HS.

Những câu chuyện dở khóc dở cười xung quanh việc nói ngọng bạn đọc có thể chia sẻ vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng!

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn