Sáng nay 24/12, tại TP Vinh, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng với tỉnh Nghệ An tổ chức họp báo, thông tin về Hội thảo Du lịch năm 2021 với thông điệp “Du lịch Việt Nam – phục hồi và phát triển”.
Mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế năm 2022
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cho biết, Hội thảo Du lịch năm 2021 với chủ đề "Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển” sẽ được tổ chức vào ngày 25/12/2021, tại Thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.
Hội thảo được tổ chức trực tiếp và kết nối trực tuyến với 19 địa phương trong cả nước như: Hà Nội, TP.HCM, Hải PHòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Kiên Giang…
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi Hội thảo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức thường niên từ năm 2017. Khoảng 300 đại biểu là các đại biểu Quốc hội, nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước đã đăng ký tham dự Hội thảo.
Ông Tạ Văn Hạ cho biết, Hội thảo nhằm đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với ngành du lịch, cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam, đồng thời thảo luận về định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam.
Hội thảo cũng trao đổi về định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững, từ đó kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; cung cấp thông tin để các đại biểu Quốc hội quyết định những chính sách đột phá nhằm phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện "bình thường mới".
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) cho biết, năm 2021 dịch bệnh COVID-19 tiếp tục gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ, du lịch Việt Nam phục vụ khoảng 40 triệu lượt khách du lịch nội địa (giảm 29% so với cùng kỳ), tổng thu hơn 180 ngàn tỷ đồng.
Thế nhưng, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, dịch bệnh tại nước ta đã cơ bản được kiểm soát. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" vào cuối tháng 11, được sự cho phép Chính phủ, ngành du lịch đã triển khai thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam tại 5 địa phương.
Ông Khánh chia sẻ, ước tính đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ đón khoảng 3.500 khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vaccine. Đây là một sự khích lệ rất lớn đối với ngành du lịch sau hơn 19 tháng không đón được khách quốc tế. Đầu năm 2022, dự báo khách có hộ chiếu vaccine đến Việt Nam còn tiếp tục tăng lên.
Mục tiêu đặt ra trong năm 2022, ngành du lịch Việt Nam sẽ đón khoảng 65 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vắc xin. Tổng thu từ du lịch đặt ra dự kiến khoảng 400.00 tỷ đồng.
Ông Khánh chỉ ra, dịp Tết sắp tới là cơ hội để ngành du lịch vực dậy trở lại về khách nội địa. Từng địa phương căn cứ vào cấp độ dịch để triển khai các hoạt động cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Cần kích cầu các nhóm lữ hành mở ra nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn từ điểm đến và hành khách.
Hỗ trợ tối đa cho ngành du lịch
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết thêm, trước tác động của đại dịch COVID-19, trong 2 năm qua chưa thể thống kê hết thiệt hại trong ngành du lịch Việt Nam.
Có 35% trên tổng số hơn 2.000 doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã xin thu hồi giấy phép; 90 đến 95% doanh nghiệp lữ hành phải đóng cửa. Còn 5 đến 7% doanh nghiệp lữ hành đang mở cửa và 80% lao động phải nghỉ việc hoặc chuyển sang làm việc không thường xuyên.
Có khoảng 90% cơ sở lưu trú phải đóng cửa, đồng nghĩa với 90% lao động cũng đang thất nghiệp và chuyển sang làm việc ở lĩnh vực khác. Cạnh đó, các cơ sở hạ tầng ở điểm du lịch ngày càng xuống cấp trong thời gian qua.
Trước bối cảnh đó, Tổng cục Du lịch đã đề xuất Chính phủ, các Bộ, ngành có những chính sách cho doanh nghiệp, lao động sớm vượt qua khó khăn trước đại dịch COVID-19.
Cụ thể, cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi, khoanh các khoản nợ, giãn thời gian nộp thuế; các loại phí, lệ phí được giãm và hoãn phải nộp. Ngoài ra, còn có chính sách an sinh xã hội đối với người lao động, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ.
“Chính phủ cho phép giảm tiền điện các địa điểm lưu trú, giảm 80% tiền ký quỹ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành. Mỗi hướng dẫn viên du lịch được hỗ trợ 3,7 triệu đồng/người” - ông Khánh thông tin.
Ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chia sẻ, sau thời gian trì trệ về du lịch, nhiều người dân rất muốn đi lại và Nghệ An rất vinh dự được tổ chức cùng với 19 điểm cầu khác trên cả nước. Hội thảo dự kiến đón 300 đại biểu và đây là cơ hội giao lưu, học hỏi giữa các doanh nghiệp trong ngành du lịch trên cả nước.
“Nghệ An đã chuẩn bị tổ chức các hoạt động bình thường, mở cửa đón bà con về quê ăn Tết. Tuy nhiên, bà con cần hạn chế thăm hỏi, tập trung đông người. Đêm hội giao thừa sẽ tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Nghệ An vẫn là điểm đến an toàn, tin cậy và bà con yên tâm về quê ăn Tết. Khi về quê ăn Tết phải thực hiện tốt 5K, không những giúp tỉnh mà còn giúp gia đình và bản thân mình được an toàn” - ông Long nhấn mạnh.
Bình luận