Hơn 2.300 học sinh là con em của các hộ kinh doanh trong chợ Nành (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã cùng bố mẹ kéo đến UBND xã để phản đối việc xây trung tâm thương mại.
Trong chợ Nành, khoảng 1.200 hộ kinh doanh cũng đã tạm ngừng buôn bán từ nhiều ngày nay.
Kiên trì thuyết phục người dân
Hơn 9h sáng 21/12, trước cửa UBND xã Ninh Hiệp có hàng ngàn người tụ tập phản đối việc xã chuẩn bị giải phóng mặt bằng khu bãi gửi xe ở trung tâm xã để xây trung tâm thương mại. Đây cũng là lý do dẫn tới việc hơn 2.300 học sinh nghỉ học.
Hàng trăm học sinh tiểu học, THCS mặc nguyên áo đồng phục đi theo cha mẹ. Nhiều em trong số đó được cha mẹ cho bánh kẹo, bim bim, thậm chí có người mang cả mì gói cho trẻ ăn ngay trước UBND xã.
Học sinh và tiểu thương chợ Nành tại trụ sở UBND xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) sáng 21/12 - Ảnh: Q.Thế |
Theo bảo vệ của hai trường tiểu học và THCS Ninh Hiệp, lãnh đạo trường đều đã được triệu tập đến xã. Họ được lệnh đóng cửa trường, không cho người ngoài vào. Nhưng ở ngoài cổng trường khá nhiều phụ huynh tụ tập bên ngoài với sự bức xúc.
Một người dân cho biết: “Tôi có hai cháu đang đi học tại trường tiểu học, nhưng đều cho nghỉ để phản đối xã”.
Những người dân tập trung tại UBND xã và khu vực bãi giữ xe cho biết “sẽ tiếp tục cho con nghỉ học những ngày tới nếu chính quyền không dừng quyết định lấy bãi giữ xe xây trung tâm thương mại”.
Trả lời PV, ông Hoàng Việt Cường - trưởng Phòng GD-ĐT huyện Gia Lâm - cho biết đã làm việc với lãnh đạo các trường ngay trong buổi sáng.
Theo báo cáo, hai trường mầm non trong xã có trên 100 trẻ nghỉ học. Trường tiểu học có 1.477/1.646 học sinh nghỉ học. Trường THCS có duy nhất một học sinh đi học trong tổng số 940 học sinh.
Chiều 21/12, học sinh vẫn không đến trường - Ảnh: Q.Thế |
Trả lời PV, ông Nguyễn Hiệp Thống, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng việc bắt học sinh nghỉ học để gây áp lực là cách làm tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp tới chính con em của người dân Ninh Hiệp.
Tuy nhiên lãnh đạo sở sau khi nắm tình hình cũng chỉ đạo lãnh đạo, cán bộ, giáo viên các nhà trường phải bình tĩnh, mềm mỏng, kiên trì để thuyết phục người dân thay đổi, ngừng việc “hi sinh quyền lợi của con em mình vì chuyện của người lớn”.
Vận động phụ huynh cho con đi học lại
Nhiều người dân cho biết nguyên nhân dẫn đến học sinh và tiểu thương phản ứng là họ vừa nhận được thông tin ngày 22/12 bãi trông giữ xe rộng khoảng 2.640m2 sẽ phải bàn giao cho chủ đầu tư xây dựng trung tâm thương mại.
Ông Lý Duy Mùi - 61 tuổi, ở thôn 7, xã Ninh Hiệp, đội trưởng đội quản lý chợ Nành - cho biết: “Chợ Nành được mở rộng từ năm 2002 và trước đây cổng chợ có một bãi đỗ xe rộng 583m2. Sau đó theo quyết định của Hà Nội, tiểu thương đã nhường lại diện tích đất này cho hai trung tâm thương mại để chuyển ra khu đất khác.
Thời gian gần đây người dân không yên tâm buôn bán được do bãi đất cạnh chợ lại tiếp tục bị thu hồi trong khi chưa đối thoại với tiểu thương. Nếu bãi giữ xe tiếp tục bị quy hoạch, người dân chỉ còn cách bỏ nghề buôn bán đi làm thuê nơi khác”.
Ông Nguyễn Kim Nhã (43 tuổi, tiểu thương chợ Nành) cho rằng bản thân các bậc phụ huynh đều không muốn học sinh nghỉ học, nhưng do chợ là nguồn thu nhập chính của cả nghìn hộ gia đình nên mới để học sinh tham gia.
“Nếu Hà Nội có những giải đáp thắc mắc và không thu hồi diện tích đất nói trên cho doanh nghiệp thì chúng tôi sẽ để các cháu đi học”.
Ông Nguyễn Văn Ninh - nhân viên quản lý chợ - nói: “Chợ Nành đã có từ hàng trăm năm nay chủ yếu kinh doanh các sản phẩm về vải, sợi, với sự phát triển của xã hội và sự góp sức của tiểu thương đến nay mới to đẹp như vậy.
Là chợ loại 1 và chúng tôi đang giao dịch với bạn hàng ở 17 tỉnh thành trên cả nước, việc tạo điều kiện để chợ phát triển không chỉ mang lại cơm ăn áo mặc cho các hộ kinh doanh mà còn giữ lại chợ lâu đời, nhưng giờ đây dân tình đều rất hoang mang”.
Chiều 21/12, học sinh vẫn không đến trường mà tiếp tục kéo lên UBND xã và khu đất chuẩn bị thu hồi để phản đối.
Video: Tài xế nằm dưới gầm xe phản đối bị bắt xe
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Gia Lâm đã xin ý kiến UBND huyện và Sở GD-ĐT Hà Nội trước tình huống bất ngờ trên và thống nhất giải pháp khắc phục.Ông Hoàng Việt Cường cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu ban giám hiệu các trường và giáo viên trực tiếp ra cổng đón học sinh vào học.
Đồng thời, các nhà trường phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp để phân công người tuyên truyền, kêu gọi, vận động phụ huynh tạo điều kiện cho học sinh đi học trở lại, không lôi kéo học sinh tham gia việc của người lớn.
100% cán bộ, giáo viên, nhân viên vẫn phải trực làm việc nghiêm túc, kể cả trong tình huống không có học sinh đến trường”.
Bình luận