• Zalo

Hơn 2.000 buồng chuối tiêu hồng nghi bị phun thuốc ép chín ở Hà Nội, luật sư: 'Cần khởi tố vụ án'

Pháp luậtThứ Năm, 29/11/2018 08:03:00 +07:00Google News

Theo luật sư, cơ quan điều tra cần khởi tố vụ án để làm rõ việc có hay không kẻ xấu phá hoại hơn 2.000 buồng chuối để người dân yên tâm canh tác.

Liên quan đến vụ việc chủ vườn phẫn uất vì hơn 2.000 buồng chuối tiêu hồng nghi bị phun thuốc ép chín ở Hà Nội, luật sư Nguyễn Thanh Hải (Công ty luật TNHH Đại Dương Long, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, vụ việc đang trong quá trình điều tra, xác minh, tuy nhiên cơ quan chức năng cần khởi tố vụ án để làm sáng tỏ vụ việc.

"Cơ quan chức năng cần nhanh chóng khởi tố vụ án để điều tra xác minh, sớm tìm được thủ phạm chịu trách nhiệm trước pháp luật, cảnh tỉnh răn đe những kẻ khác có những hành vi coi thường pháp luật như trên", luật sư Hải cho hay.

img_4641-4-1029166

 Những buồng chuối của gia đình anh Toàn, chị Thủy bị chặt bỏ do nghi bị phun thuốc ép chín chuối.

Theo luật sư Hải, hành vi hủy hoại tài sản, khiến chủ vườn bị thiệt hại ước tính từ 400 - 500 triệu đồng là tài sản không thể phục hồi lại được. Vì vậy, cơ quan chức năng cần nhanh chóng tìm ra thủ phạm để cho người dân yên tâm canh tác.

Trước đó vào sáng 22/11, hai chủ vườn chuối tiêu hồng tại xã Dương Hà (Gia Lâm, Hà Nội) là anh Nguyễn Huy Toàn (32 tuổi, quê ở Khoái Châu, Hưng Yên) và chị Đỗ Thị Thủy (30 tuổi, Khoái Châu, Hưng Yên) bàng hoàng khi phát hiện hàng nghìn buồng chuối trong vườn bị chín ép, trước thời kì thu hoạch vài tháng.

“Thời gian này tôi đang thu hoạch túc tắc từ giờ tới tháng giêng âm lịch. Vậy nhưng, sáng hôm đó, tôi đi thăm vườn thì thấy hơn 1.000 buồng chuối chín nứt hết vỏ, chuối chưa già cũng chín”, anh Toàn nghẹn ngào nói.

Anh Toàn cho rằng có kẻ xấu đã dùng bình xịt xịt vào bên trong buồng đã bọc ni lông, chỗ nào dính thuốc, chuối sẽ chín.

Đồng cảnh ngộ với anh Toàn, hơn 1.000 buồng chuối của gia đình chị Đỗ Thị Thủy (người họ hàng của anh Toàn) cũng bị chín ép.

“Các buồng chuối của nhà tôi chưa chín vàng rộ như nhà Toàn, có thể bị kẻ xấu phun sau. Tuy nhiên, chuối đã bị thế này thì ăn cũng không được, mà bán cũng không xong vì đã dính thuốc”, chị Thủy tâm sự.

Gần đây, việc người nông dân bị phá hoại nông sản liên tiếp xảy ra, khiến người dân khóc ròng vì công sức chăm sóc cây trồng bị cuốn trôi.

Vào tháng 10 vừa qua, hơn 200 cây sa chi do gia đình bà Nguyễn Thị Kim Oanh ở thôn 3 (xã Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội) gây dựng và dày công chăm sóc, gần đến ngày thu hoạch thì bị kẻ xấu lợi dụng đêm tối lẻn vào chặt gốc, phá hoại hoàn toàn. 

Trước đó, vào tháng 7/2018, vườn mận nhà ông Đỗ Thanh Minh (ngụ ấp Tân Quới, xã Phong Hòa, Đồng Tháp) bị kẻ xấu chặt 95 cây. Đến tháng 11, 67 cây mận của ông Minh bị kẻ xấu chặt bỏ tiếp. Ông Minh bị thiệt hại ước tính khoảng 50 triệu đồng.

Theo chuyên gia nghiên cứu tội phạm và điều tra tội phạm học, để tìm ra thủ phạm phá hoại nông sản phải xác định được rõ nguyên nhân, mối quan hệ của chủ vườn với những người có liên quan. Tuy nhiên việc điều tra, làm rõ là không hề dễ.

Nhiều vụ việc phá hoại nông sản xảy ra thời gian qua cho thấy, mặc dù các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc điều tra nhưng không tìm ra kẻ phá hoại. Dù có vụ xác định được thủ phạm nhưng đấu tranh để bắt những kẻ này là rất khó vì không bắt được quả tang.

>>> Đọc thêm: Chủ vườn phẫn uất vì hơn 2.000 buồng chuối tiêu hồng nghi bị phun thuốc ép chín ở Hà Nội

Mạnh Đoàn
Bình luận
vtcnews.vn