Ngày 6/5, hơn 20 bác sĩ chuyên khoa II về quản lý y tế của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) đã có chuyến tham quan, học tập tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh).
Đoàn do bác sĩ Lê Văn Nhân - Giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch làm trưởng đoàn.
Tham gia cùng đoàn là các bác sĩ đang làm công tác quản lý và chuyên môn ở nhiều bệnh viện của TP.HCM, như: Từ Dũ, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Bệnh viện Quận 6, Trung tâm y tế Tân Bình, Trung tâm y tế dự phòng thành phố, Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM,…
Liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, đoàn bác sĩ đã được bà Huỳnh Thị Lan Phương - Phó TGĐ Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS – đơn vị quản lý Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước) trao đổi và hướng dẫn sâu về quy trình xây dựng bãi chôn lấp, quy trình xử lý chất thải rắn, thu gom và quy trình xử lý nước rỉ rác.
Trước thắc mắc của các bác sĩ về việc tại sao dây chuyền sản xuất phân compost không hoạt động, bà Huỳnh Thị Lan Phương chia sẻ: “Với cấu tạo và thành phần rác hiện nay của TP.HCM như rác tạp chất, rác hỗn hợp, rác nghèo hữu cơ,… thì không thể nào sản xuất được phân compost”.
Cũng tại buổi tham qua, nhiều bác sĩ tỏ ra ngạc nhiên khi cầm trên tay 2 lọ nước rỉ từ rác qua xử lý của VWS. Theo đó, lọ màu đen là nguồn nước rỉ rác trước khi được xử lý và lọ nước màu trắng là nước sau xử lý bằng công nghệ hiện đại của Mỹ.
Bà Huỳnh Thị Lan Phương cho biết, nước rỉ rác sau khi qua xử lý, chúng tôi có thể sử dụng vào việc tưới cây, rửa xe.
“Thật sự bất ngờ về quy mô, công sức và tiền của để đầu tư một khu xử lý rác hiện đại, an toàn như thế này. Ban đầu, chúng tôi cứ nghĩ đến đây sẽ rất mất vệ sinh, ẩm ướt như một bãi rác chứ không hình dung ra nơi đây là một công trình đầy ắp công nghệ an toàn cho môi trường và sạch sẽ”, một bác sĩ trong đoàn chia sẻ.
Bình luận