Theo quy chế thi THPT Quốc gia năm 2019, việc chấm thi các môn Trắc nghiệm được giao cho các trường đại học (ĐH) thực hiện.
Năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội chấm thi THPT Quốc gia 2019 cho thí sinh ở tỉnh Thanh Hóa. Cho đến nay, nhà trường thực hiện xong phần chấm bài thi, sẵn sàng bàn giao kết quả cho Sở GD-ĐT Thanh Hóa và chuyển kết quả về Bộ GD-ĐT.
Ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, Thanh Hóa là địa phương đứng thứ 3 của cả nước với khoảng 35.000 thí sinh; 102.925 bài thi Trắc nghiệm gồm: Toán, Ngoại ngữ, các môn thi của Tổ hợp khoa học Tự nhiên và Khoa học xã hội.
Tuy nhiên trong quá trình chấm thi, để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, phần mềm chấm thi khuyến cáo nên xem xét lại những bài thi như tô mờ, tô đúp... Số lượng bài thi này là 11.696 bài (chiếm tỷ lệ 11,36%).
Theo ông Trần Văn Tớp, trong bản hướng dẫn chấm thi trắc nghiệm, có công việc kiểm sửa lỗi bài làm. Khi xử lý ảnh bài làm của thí sinh cần kiểm tra có đúng không hay thí sinh bỏ sót hoặc tô đúp câu trả lời mà phần mềm không nhận dạng được. Phần này gọi là kiểm sửa lỗi bài làm.
Thực tế trong quá trình chấm thi Trắc nghiệm, thí sinh bao giờ cũng sẽ chọn 1 phương án trả lời. Ngoài ra, khi gần hết giờ làm bài, thí sinh có thể tô bừa. Tuy nhiên, trong quá trình tô phương án, có khả năng thí sinh tô nhưng tô mờ làm phần mềm hiểu câu hỏi đó không có chọn câu trả lời.
Các ô nếu thí sinh bỏ trống cả 4 phương án được phần mềm khoanh cả 4 phương án. Các ô mà phần mềm cho rằng thí sinh tô đúp sẽ được gạch chân cả 4 phương án. Ví dụ khi thí sinh chọn lại câu trả lời nhưng phương án trả lời trước lại tẩy chưa kỹ, phần mềm nhận dạng sẽ bắt lỗi tô đúp.
Những lỗi như vậy rất nhiều, nhất là của các bài thi Tổ hợp, khi mà một thí sinh chỉ thi một môn. Vì thế, tất cả các câu trả lời của các môn thí sinh không dự thi sẽ bị bắt lỗi thứ nhất.
Hội đồng thi Thanh Hoá có 11.900 bài thi có lỗi cần kiểm sửa. Ban chấm thi Trắc nghiệm của ĐH Bách khoa Hà Nội kiểm tất cả các bài thi này và sửa hơn 1.500 lỗi (tức là khoảng 11,4% lỗi khuyến cáo nên xem xét).
Tổng số các lỗi bắt buộc phải sửa như: sai số báo danh, sai/trùng mã đề thi, không nhận dạng được bài thi (trong đó chủ yếu là số báo danh và mã đề thi) là 649 (chiếm khoảng 0,65%; thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước các năm trước là gần 1%).
Bình luận