• Zalo

Hơn 12 triệu bẫy dây đe dọa động vật hoang dã ở Campuchia, Lào, Việt Nam

Đời sốngThứ Sáu, 10/07/2020 19:38:18 +07:00Google News

Những chiếc bẫy thô sơ làm từ dây phanh xe đạp hay dây cáp đang đe dọa động vật hoang dã trong các khu bảo tồn ở Campuchia, Lào và Việt Nam.

Báo cáo Sự im lặng của những chiếc bẫy dây: Khủng hoảng đặt bẫy tại Đông Nam Á được WWF công bố sáng 10/7 đã chỉ ra nguy cơ tàn sát đối với các loài hoang dã.

Các nhà nghiên cứu xác định rất nhiều loài mục tiêu của hoạt động đặt bẫy, như lợn rừng, cầy, và tê tê, thuộc nhóm các loài có nguy cơ cao mang các bệnh truyền nhiễm. Ước tính mỗi năm có hàng triệu bẫy được đặt trong những cánh rừng của Khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, đặc biệt là ở Việt Nam, Lào và Campuchia.

Kết quả tuần tra của các đội kiểm lâm tại khoảng 10% các khu bảo tồn ở ba quốc gia này cho thấy, riêng trong năm 2019, khoảng 15.000 bẫy đã được tháo gỡ trong bốn khu bảo tồn thuộc Khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Ước tính có khoảng 12,3 triệu bẫy dây đang đe dọa các loài động vật hoang dã trong các khu bảo tồn ở Campuchia, Lào và Việt Nam.

Hơn 12 triệu bẫy dây đe dọa động vật hoang dã ở Campuchia, Lào, Việt Nam - 1

 Lợn rừng dính bẫy ở khu Trung Trường Sơn. (Ảnh:Phạm Việt).

Ông Stuart Chapman, người đứng đầu Sáng kiến Tigers Alive của WWF, chia sẻ: "Các bẫy thú này đang gây ra sự chết chóc khủng khiếp cho các loài hoang dã, quét sạch bóng dáng của chúng khỏi những khu rừng, từ hổ đến voi, cầy vòi hương và tê tê. Nếu chính phủ các quốc gia Đông Nam Á không khẩn trương hành động, những loài động vật hoang dã này sẽ không có cơ hội tồn tại".

"Nạn đặt bẫy chính là mối đe dọa hàng đầu đối với loài hổ trong khu vực. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc loài hổ được coi là đã tuyệt chủng ở Campuchia, Lào và Việt Nam. Nếu không có những biện pháp quyết liệt, nạn đặt bẫy thú sẽ dẫn đến một làn sóng tuyệt chủng ở khắp các quốc gia châu Á", ông Stuart nói.

Belum-Temengor, Malaysia là một trong số ít những khu bảo tồn hổ quan trọng nhất của Đông Nam Á, từ năm 2009 - 2018, đã mất đi 50% số lượng quần thể hổ chủ yếu do bị đặt bẫy tràn lan.

Theo bà Sophia Lim, Giám đốc Điều hành của WWF-Malaysia: "Chỉ tháo dỡ các bẫy thôi thì chưa đủ. Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á phải tăng cường thực thi luật pháp, cải thiện hệ thống pháp luật để ngăn chặn đặt bẫy một cách hiệu quả và quan trọng hơn là kêu gọi sự tham gia của người dân bản địa và các cộng đồng địa phương trong cuộc chiến này".

(Nguồn: vnexpress.net)
Bình luận
vtcnews.vn