Theo con số thống kê từ Bộ GD-ĐT, trong số 363.600 nghìn thí sinh trúng tuyển đợt 1 theo hình thức xét tuyển dựa trên điểm thi THPT quốc gia thì chỉ có hơn 242.000 thí sinh đến các trường đại học làm thủ tục nhập học, còn lại hơn 110.000 thí sinh đã từ chối cơ hội nhập học của mình.
Con số hơn 110.000 thí sinh trúng tuyển nhưng lại không nhập học là không hề nhỏ. So với trước đây, thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học không phải không xảy ra, tuy nhiên số lượng rất nhỏ. Chính sự "bùng nổ" bất thường này đã khiến không ít những bậc phụ huynh và dư luận phải một phen hoang mang lo lắng trong thời gian qua.
Lý giải về hiện tượng này, trong kết luận kết thúc phiên họp "Tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm" với sự tham gia của hơn 1200 đại biểu ở cả ba đầu cầu Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ xác nhận đây là con số thực, tuy nhiên không hẳn là đáng lo ngại. Bộ trưởng đề nghị chúng ta phải hết sức bình tĩnh.
Theo Bộ trưởng: “Chất lượng kéo theo số lượng”. Tức là trường nào chất lượng tốt sẽ được nhiều người học quan tâm, lượng thí sinh trúng tuyển đăng ký nhập học cao hơn và nếu chất lượng đào tạo của trường kém hiệu quả thì đương nhiên sẽ không thể thu hút được thí sinh nhập học dù đã trúng tuyển. Nếu trường có chất lượng đào tạo tốt, sinh viên cũng được đào tạo tốt thì sau khi ra trường cơ hội việc làm sẽ mở rộng hơn và ngược lại. Do đó, việc lựa chọn ngành nghề học và cơ hội việc làm ảnh hưởng rất nhiều đến lựa chọn nhập học của thí sinh. Vậy nên không quá khó hiểu hiện tượng có đến hơn 110.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học.
"Chúng ta cũng phải chấp nhận rằng các cơ sở giáo dục phải có sự cạnh tranh, phân tầng chất lượng. Các trường có chất lượng tốt thì thí sinh sẽ yên tâm hơn khi đăng ký nhập học", Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý thêm: "Các trường đại học phải nhìn vào cung - cầu của thị trường để cải thiện, nâng cao chất lượng cũng như định hướng phát triển. Không phải ngành nào có thế mạnh là đổ xô đào tạo trong khi thị trường không cần. Có ngành chúng ta có năng lực đào tạo rất tốt nhưng thị trường không cần thì phải giảm, thậm chí đóng cửa. Đặc biệt, trong điều kiện thế giới thay đổi nhanh và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ thì xu hướng ngành học càng thay đổi nhanh chóng. Vì vậy, giáo dục đại học hiện đại phải nghĩ đến tiếp cận theo hướng nhu cầu thị trường".
Video: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ "giáo dục liên quan đến cuộc sống của từng gia đình".
Bình luận