Theo phản ánh của bà Đỗ Thị Hương (SN 1966, thôn 5, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), tháng 5/1978, cụ Đỗ Văn Thiểm và cụ Lê Thị Uông (bố mẹ bà Hương) từ huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên) ra xã Hạ Long, huyện Cẩm Phả (nay là huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) làm kinh tế mới.
Tháng 9/1978, bố mẹ bà Hương được giao 3 ha đất gồm đất ở và vườn cây ăn quả cùng tài sản trên đất (gồm nhà ngói 3 gian, 2 trái công trình phụ có sân phơi bằng vữa ba ta và có vườn cây ăn quả).
Năm 1979, bố mẹ bà Hương mua thanh lý đất và tài sản trên đất theo Chỉ thị số 49 ngày 1/11/1979 của UBND tỉnh Quảng Ninh, với giá 1.433 đồng. Năm 1980, bố mẹ bà Hương trả được 700 đồng, năm 1982, trả tiếp 733 đồng.
Năm 1982, do không có tiền trả cho nhà nước, bố mẹ bà Hương phải dỡ nhà bán ngói, bán hoành cho vợ chồng cụ Phạm Văn Giáo (cùng thôn) để trả nợ. Đến năm 1983, bố mẹ bà Hương về thị xã Hòn Gai (Quảng Ninh) chữa bệnh nên nhờ cụ Giáo và bà Phạm Thị Vượng (con cụ Giáo) trông nom hộ.
Không có mái ngói, tường đất nên ngôi nhà bị đổ. Vườn rộng, cây ăn quả thưa nên cụ Giáo đã trồng bạch đàn xen kẽ các cây ăn quả. Sau đó, cụ Giáo về TP Móng Cái ở, giao lại vườn bạch đàn cho con gái là bà Vượng, bà Liệng trông coi và quản lý toàn bộ vườn cây.
Năm 1998, vợ chồng bà Vượng ra TP Móng Cái ở, bán nhà cho ông Nguyễn Văn Tỵ (người cùng thôn), bán luôn cả số cây bạch đàn trồng trên thửa đất của bố mẹ bà Hương mua.
Năm 1999, ông Tỵ tiếp tục bán lại số cây bạch đàn cho ông Đào Văn Nhì (người cùng thôn).
Năm 2004, khi ông Nhì khai thác hết cây bạch đàn, gia đình bà Hương chở gạch, tre dóc lên xây tường rào để bảo vệ đất thì xảy ra tranh chấp với ông Nhì.
Sau sự việc này, bà Hương mới biết, thửa đất ông Nhì thu hoạch bạch đàn trên diện tích đất của bố mẹ bà Hương mua đã được cán bộ địa chính xã, UBND xã Hạ Long và ông Lê Minh Thuộc – nguyên chủ tịch UBND xã Hạ Long đồng ý giao đất và bán đất cho ông Nhì.
Cụ thể, ngày 5/9/1999, ông Nhì làm đơn đề nghị UBND xã xin được quyền quản lý diện tích đất của bố mẹ bà Hương, được ông Lê Quốc Ngữ - cán bộ địa chính xã và UBND xã Hạ Long xác nhận đất không có tranh chấp, đồng ý cho ông Nhì được quản lý thửa đất của bố mẹ bà Hương.
Ngày 30/9/1999, ông Lê Minh Thuộc đã tự ý bán cho ông Đào Văn Nhì 8.250m2 đất. Diện tích đất này theo bà Hương là ông Thuộc tự ý vẽ thành đất rừng của ông Thuộc nằm trong diện tích đất của bố mẹ bà Hương. Còn lại khoảng 2ha, ông Thuộc đã tự ý bán cho nhiều người và hiện nay đã qua nhiều chủ khác nhau.
Sau đó, bà Hương làm đơn lên UBND xã Hạ Long để giải quyết tranh chấp đất đai với ông Nhì. UBND xã không những không giải quyết mà còn đổ thêm dầu vào lửa, tự ý vẽ cho ông Nhì 950m2 đất giữa thửa đất của bố mẹ bà Hương mua năm 1979.
Việc làm trên đã làm căn cứ để các cơ quan chức năng giải quyết, ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình bà Hương, diện tích nêu trên gia đình bà Hương đã xây tường bao rào quanh từ năm 2009.
Từ đó đến nay, đã có nhiều cơ quan chức năng từ xã đến tỉnh vào cuộc giải quyết nhưng bà Hương vẫn không đồng tình và tiếp tục có đơn khiếu nại, kiến nghị mà chưa được giải quyết dứt điểm.
Lý do UBND tỉnh Quảng Ninh bác yêu cầu đòi lại đất
Trong buổi làm việc với PV VTC News, đại diện UBND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) cho biết, năm 1978, gia đình cụ Đỗ Văn Thiểm (bố đẻ bà Đỗ Thị Hương) cùng một số bà con xã Liên Vị, huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên) được Nhà nước điều động ra tiếp quản tài sản người Hoa tại huyện Cẩm Phả (nay là huyện Vân Đồn) và sau đó được chính quyền địa phương thanh lý, hóa giá tài sản trên đất theo Chỉ thị số 49/CT ngày 01/11/1979 của UBND tỉnh Quảng Ninh để quản lý và ổn định cuộc sống.
Năm 1982, cụ Thiểm đã nộp tiền thanh lý nhà thuộc tài sản 49 vào ngân sách xã theo phiếu thu số 201, ngày 22/2/1982 với số tiền 733 đồng. Cũng trong năm này, cụ Thiểm đã bán số tài sản được thanh lý cho cụ Phạm Văn Giáo, sau đó, vợ chồng cụ Thiểm về thị xã Hòn Gai ở với con trai là ông Đỗ Văn Bình.
Sau khi mua số tài sản được hóa giá của cụ Đỗ Văn Thiểm, cụ Phạm Văn Giáo dỡ lấy vật liệu xây dựng nhà tại vị trí khác ở thôn 4, xã Hạ Long và trồng bạch đàn vào vị trí đất có tài sản thanh lý đã mua của cụ Thiểm.
Năm 1992, vợ chồng cụ Giáo chuyển khẩu về thị xã Móng Cái, giao lại vườn cây bạch đàn cho gia đình con gái quản lý. Năm 1998, ông Nguyễn Hùng Tô (con rể ông Giáo) bán nhà và vườn bạch đàn cho ông Nguyễn Văn Tỵ, thôn 2, xã Thắng Lợi (Vân Đồn).
Ngày 1/9/1999, ông Nguyễn Văn Tỵ bán vườn bạch đàn trên cho ông Đào Văn Nhì là người ở thôn 4, xã Hạ Long.
Tiếp đó, ông Đào Văn Nhì có đơn gửi UBND xã Hạ Long đề nghị UBND xã chứng nhận cho ông được quyền quản lý, sử dụng diện tích vườn bạch đàn và được UBND xã Hạ Long chứng thực vào đơn đồng ý nguyện vọng như đơn trình bày, đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Tháng 12/2004, ông Đào Văn Nhì khai thác gỗ trên diện tích vườn bạch đàn đã mua, lúc này mới phát sinh đơn của bà Đỗ Thị Gặt (em gái bà Hương) gửi UBND xã Hạ Long đòi trả đất thanh lý tài sản 49 của cụ Đỗ Văn Thiểm đã bán tài sản cho cụ Giáo năm 1982.
Về phần gia đình bà Đỗ Thị Hương, năm 1988, sống tại Hồng Kông, cụ Thiểm về xã Liên Vị (Quảng Yên) với con trai cả. Năm 1993, bà Đỗ Thị Hương hồi hương về xã Hạ Long, huyện Vân Đồn.
Trong khoảng thời gian từ năm 1993 (thời điểm bà Hương hồi hương) đến năm 2004, bản thân cụ Thiểm và gia đình không sử dụng khu đất có tài sản 49 được thanh lý và đã nộp tiền năm 1982 và không có đơn từ nào gửi chính quyền địa phương, đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Mặt khác, năm 1982, cụ Thiểm đã bán tài sản được thanh lý và chuyển đi nơi khác ở, không quản lý, sử dụng đất đến thời điểm xảy ra tranh chấp (năm 2004) giữa bà Gặt với ông Đào Văn Nhì.
Về nội dung này, sau khi bà Gặt có đơn đòi lại đất của cụ Thiểm đã được thanh lý tài sản năm 1982, UBND xã Hạ Long có Quyết định số 29, ngày 12/8/2005 giải quyết và đã bác đơn yêu cầu đòi lại đất của bà Gặt.
Ngày 21/11/2005, UBND huyện Vân Đồn có Quyết định số 820 giải quyết khiếu nại, tố cáo của bà Gặt, bà Hương, đã đồng ý với Quyết định số 29 ngày 12/8/2005 của UBND xã Hạ Long.
Đồng thời, ngày 15/1/2007, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 150 giải quyết khiếu nại của bà Gặt.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh không chấp nhận việc bà Gặt đòi quyền sử dụng đất và đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích đất gắn với tài sản mà bố mẹ bà được thanh lý, nộp tiền vào ngân sách nhà nước năm 1982 tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn nhưng bố mẹ bà Gặt đã bán tài sản, chuyển đi nơi khác, không sử dụng đất từ năm 1982.
“Như vậy, nội dung đơn của bà Đỗ Thị Hương đã được các cấp chính quyền giải quyết đảm bảo quy định của pháp luật. Do vậy, những nội dung đơn có liên quan đến việc đòi đất của cụ Đỗ Văn Thiểm tại xã Hạ Long sẽ không được xem xét, giải quyết” – UBND huyện Vân Đồn khẳng định.
Đại diện UBND huyện Vân Đồn cũng cho biết thêm, đến nay không có tài liệu nào chứng minh 3ha đất là của ông Thiểm quản lý mà bà Hương khiếu kiện nhiều năm qua.
Trước năm 2004, nếu bị chiếm dụng đất mà công dân không trình báo cơ quan chức năng thì diện tích bị mất đó thuộc quản lý của người khác.
Bình luận