Theo kế hoạch, hôm nay, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về 2 nội dung: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019 và Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho biết, 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2018 đều đạt và vượt kế hoạch.
Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.
"Chúng ta đã đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 3 chỉ tiêu đạt, 9 chỉ tiêu vượt và nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. GDP bình quân đầu người đạt 2.590 USD", Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nói trong báo cáo trước Quốc hội về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
Cụ thể, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; chất lượng tăng trưởng được cải thiện; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 45,2% (bình quân 3 năm 2016 - 2018 là 43,29%, vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm đề ra là 30 - 35%); năng suất lao động tăng gần 6%; hiệu suất sử dụng vốn đầu tư tăng (chỉ số ICOR giảm từ 6,42 năm 2016 còn 5,97 năm 2018).
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,2%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 480 tỷ USD và xuất siêu 6,8 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt 8% so với dự toán; bội chi ngân sách 3,46% GDP; nợ công ở mức 58,4% GDP. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 5,35%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 87,7%.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng được triển khai quyết liệt; xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, dư luận xã hội quan tâm, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường; uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.
Dẫu vậy, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho rằng, trong thời gian tới, tình hình kinh tế thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; rủi ro và bất ổn gia tăng, nhất là xung đột thương mại, điều chỉnh chính sách giữa các nước lớn và những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế; cạnh tranh ngày càng gay gắt trên nhiều mặt.
Trong khi đó, nền kinh tế nước ta còn những hạn chế, yếu kém; tính độc lập, tự chủ, khả năng chống chịu, tiềm lực và năng lực cạnh tranh chưa cao; thách thức an ninh phi truyền thống từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… gia tăng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.
"Nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm 2019 và trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ là rất nặng nề. Phát huy những kết quả đạt được, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành không chủ quan trong chỉ đạo điều hành; tập trung mọi nỗ lực để vượt qua khó khăn, thách thức; kiên định các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ", Phó Thủ tướng nói.
Từ những nhận định này, Chính phủ đưa ra 7 giải pháp cho thời gian tới.
Cụ thể: Kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng; Thực hiện quyết liệt cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; Chủ động đẩy mạnh thông tin và truyền thông; tăng cường công tác phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể.
Trình bày thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được, trong đó cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội được củng cố. Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được một số kết quả bước đầu.
Nhiều vi phạm pháp luật và tội phạm đã được phát hiện, xử lý nghiêm; một số vụ án tham nhũng, kinh tế lớn nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát tài sản của Nhà nước liên quan đến một số cán bộ cấp cao được phát hiện và đưa ra xử lý.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần phân tích rõ hơn nguyên nhân khách quan, chủ quan kết quả đạt được năm 2018, những yếu tố tích cực có tính chất đột biến và dài hạn để phục vụ tốt cho công tác điều hành năm 2019 và các năm tiếp theo; đề nghị đánh giá kỹ kết quả, đóng góp của ngành du lịch đối với tăng trưởng kinh tế. Hoạt động thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục còn hạn chế, đặc biệt là công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình...
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, năm 2019 có ý nghĩa quan trọng trong việc “bứt phá” để hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.
Trong những tháng còn lại của năm 2019, bên cạnh việc tiếp tục triển khai 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các nhóm giải pháp nêu trong báo cáo của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh 3 trọng tâm ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô năm 2019.
3 trọng tâm ưu tiên là tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống và kiểm soát tốt lạm phát để tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực; thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của nền kinh tế; và đẩy nhanh thực hiện đồng bộ các dự án quan trọng quốc gia, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực giao thông và công nghệ thông tin, bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án....
Triển khai quyết liệt, đồng bộ để xử lý tình trạng “tín dụng đen” trong đó sớm hoàn thiện chế tài xử phạt, chú trọng các giải pháp phát triển nền tài chính toàn diện tập trung vào tài chính vi mô và tài chính tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn. Kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao....
Bình luận