VTV
Chất vấn theo cách 'chưa từng có'Sáng nay 16/11, Quốc hội tiến hành đợt chất vấn kéo dài 2,5 ngày (16-18/11) với cách thức mới, không chốt danh sách bộ trưởng, trưởng ngành, cũng không theo nhóm vấn đề.
Mỗi đại biểu có 7 phút thảo luận, chất vấn về các báo cáo và có 2 phút nếu chỉ nêu câu hỏi chất vấn mà không thảo luận. Nội dung chất vấn liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu cơ quan nào, người đó trực tiếp trả lời theo điều hành của chủ tọa.
Hôm nay sẽ diễn ra phiên chất vấn chưa từng có trong lịch sử Quốc hội Việt Nam |
Chất vấn liên quan đến trách nhiệm chung của Chính phủ hoặc trách nhiệm thuộc nhiều bộ, ngành thì Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời.
Đoàn thư ký kỳ họp đề nghị, việc trả lời chất vấn cần đảm bảo ngắn gọn, rõ ràng và đi thẳng vào nội dung câu hỏi chất vấn.
Đánh giá phương thức tiến hành chất vấn “chưa từng có” này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng: "Đây là việc giúp đi đến cùng vấn đề đặt ra trong xã hội".
Các Bộ trưởng cầu thị, tiếp thu ý kiến của đại biểu để điều chỉnh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của mình vì thông qua hoạt động chất vấn cũng đôn đốc các Bộ trưởng, đốc thúc các hoạt động quản lý Nhà nước chuyển biến dù để kịp với sự mong đợi của xã hội đối với trách nhiệm quản lý Nhà nước thì có thể chưa đạt được.
Thủ tướng trả lời chất vấn 75 phút
Theo chương trình làm việc vừa được công bố, Quốc hội sẽ dành cho Thủ tướng 75 phút ngày 18/11 để báo cáo và trả lời chất vấn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có 75 phút báo cáo, trả lời chất vấn trước Quốc hội |
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đúng trọng tâm tránh trường hợp hỏi một chuyện nhưng lại tranh thủ báo cáo hoạt động của đơn vị mình không đúng với trọng tâm câu hỏi.
“Tôi đề nghị ghi trong nội quy dành thời gian thỏa đáng cho Thủ tướng trả lời chất vấn, có thể dành một buổi cho Thủ tướng trả lời chất vấn, một trong hai kỳ họp cũng được không nhất thiết phải hai kỳ họp”, đại biểu Tâm đề xuất.
Nữ đại biểu của TP.HCM cho biết, cử tri rất mong muốn được nghe ý kiến của Chính phủ không chỉ trả lời làm rõ trách nhiệm mà vấn đề giải pháp, vấn đề đại sự của quốc gia, tiếng nói của Chính phủ có sự tác động rất lớn tạo sự đồng thuận của xã hội.
“Tôi nghĩ rằng tạo cơ hội để đồng bào được nghe tiếng nói của Chính phủ, đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp của Quốc hội”, bà Tâm nêu ý kiến.
“Tôi đề nghị ghi thẳng vào trong nội quy kỳ họp, dành ít nhất một buổi, tôi thấy thời gian vừa qua dành thời gian không thỏa đáng, Thủ tướng chuẩn bị nhưng không có thời gian để trả lời hoặc không có thời gian để đưa ra những thông điệp quan trọng mà Chính phủ cần phải nói với nhân dân, đồng bào, với Quốc hội”, bà Tâm đề xuất.
Truy đến cùng vấn đề chất vấn
Mong muốn theo “đến cùng” các vấn đề, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung làm rõ những nguyên nhân khiến các vấn đề, các “lời hứa” còn chưa được thực hiện, các lĩnh vực chưa có chuyển biến hoặc chuyển biến không đáng kể, những vấn đề phát sinh để quyết định ra nghị quyết gửi lại QH khóa sau tiếp tục giám sát, đôn đốc.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: "Đây là một điểm đổi mới của Quốc hội, chưa kỳ họp nào thực hiện, nhằm đảm bảo việc giám sát đến cùng của Quốc hội”.
Ông Phúc cho biết, kỳ này, đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn những vấn đề đã được đưa vào Nghị quyết nhưng vẫn chưa thực hiện tốt, đang còn tồn tại của các ngành. Bộ trưởng ngành đó sẽ phải báo cáo cụ thể về những vấn đề đó, giải thích trước Quốc hội nguyên nhân tại sao thực hiện chưa đạt yêu cầu.
"Theo tôi, về cơ bản các Đại biểu Quốc hội sẽ truy đến cùng những vấn đề tồn tại và sau khi chất vấn xong, Quốc hội sẽ có Nghị quyết, gửi lại cho khóa sau để có sự theo dõi, đôn đốc và giám sát thực hiện những vấn đề từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII vẫn chưa thực hiện xong", ông Phúc nêu ý kiến.
Video: Đại biểu Quốc hội bàn về những vấn đề nóng
Minh Đức
Bình luận