• Zalo

Hỏi xoáy- Đáp xoay: Càng ngày càng nhạt

Văn hóa - Giải tríChủ Nhật, 19/08/2012 02:00:00 +07:00Google News

Từng là một chuyên mục được mong đợi nhất của Thư giãn cuối tuần (VTV3) nhưng Hỏi xoáy- Đáp xoay đang ngày càng gây thất vọng với những câu hỏi- đáp nhạt nhẽo.

Từng là một chuyên mục được mong đợi nhất của Thư giãn cuối tuần (VTV3) nhưng Hỏi xoáy- Đáp xoay đang ngày càng gây thất vọng với những câu hỏi- đáp nhạt nhẽo.

Học giả Xoày Trọng Chấm  và Tiến sỹ Xoáy (Xuân Bắc).

Hỏi xoáy- Đáp xoay đã đưa giáo sư Cù Trọng Xoay (Đinh Tiến Dũng) lên mây nhưng lại làm điều ngược lại với người kế vị, giảng viên ĐH Văn Hóa TP.HCM, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Dũng trong vai học sỹ Xoày Trọng Chấm.

Công bằng mà nói, không phải đến lúc Phạm Dũng thế chân Đinh Tiến Dũng chuyên mục mới nhạt, dấu hiệu đi xuống của Hỏi xoáy- Đáp xoay đã xuất hiện từ thời Cù Trọng Xoay sắp ra đi, đỉnh điểm là thời giáo sư “cặp” với trợ lý của tiến sỹ Xoáy (Thu Huyền đóng).

Không nhạt không đạt


Những người làm chương trình đã cố gắng vớt vát chuyên mục ăn khách bằng cách “thay máu”: Giáo sư Cù Trọng Xoay (Đinh Tiến Dũng) “về vườn”, thay vào đó là học sỹ Xoày Trọng Chấm (Phạm Dũng), trợ lý tiến sỹ Xoáy (Thu Huyền) rút lui, đưa tiến sỹ Xoáy (Xuân Bắc) trở lại. Thế nhưng, chuyên mục chẳng nhờ thế mà khá hơn.

Ngay từ những số đầu tiên của “thời đổi mới”, Hỏi xoáy- Đáp xoay đã nhận được những phản hồi không tốt từ dư luận.

“Nhạt đến ngỡ ngàng” là đánh giá của nhiều khán giả về chuyên mục. Khi đó vị học sỹ râu dài trán hói Xoày Trọng Chấm đã lên báo trấn an dư luận: “Không nhạt là không đạt nhá. Nhạt thế là tốt rồi, vì đây là thủ pháp đạo diễn, là ý đồ kịch bản. Tôi được chỉ thị là ba số đầu không được diễn gì nhiều, cứ ngồi đó cho ông Trần Xoáy lấn sân (…) Cái sự nhàn nhạt số vừa rồi cũng là để hướng tới mục đích làm bước đệm cho những thay đổi trong những số tới đây. Làm sao cho chương trình ngày càng hay hơn, hấp dẫn hơn”.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Dũng trong vai trò GS Xoày Trọng Chấm.

Chẳng thể trách vị học sỹ này, dù sao thì anh cũng chỉ làm theo “chỉ thị”. Kịch bản thiếu muối thì nghệ sỹ dẫu giỏi đến đâu cũng “bó tay”.

Bằng chứng là Xuân Bắc, một diễn viên tên tuổi “chưa gỉ”, được đạo diễn Thanh Hải đánh giá cao (vị đạo diễn này từng nói: “Cù Trọng Xoay chỉ bằng 1/10 Xuân Bắc”), tiếp tục trở lại với vai trò tiến sỹ Xoáy, cũng không làm nên cú lội ngược dòng ngoạn mục cho Hỏi xoáy- Đáp xoay.

Và nhạt nữa, nhạt mãi


Phương châm của chuyên mục là giải đáp mọi thắc mắc của khán giả trên cơ sở “luôn luôn lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ, dù đúng hay sai”. Cái sự giải đáp dựa trên tiêu chí không cần đúng là chính, đã thách thức cho việc viết kịch bản.

Nói phét một cách hóm hỉnh, gây cười chẳng phải chuyện dễ dàng, không khéo sẽ sa vào trò “chém gió” như mấy anh say bên bàn nhậu.

Chẳng thế mà có độc giả từng phản hồi: Cứ liên thiên như Hỏi xoáy- Đáp xoay, dân nhậu cũng làm được.

Trong bức thư chia sẻ lý do rời xa Hỏi xoáy- Đáp xoay trên facebook của mình, Đinh Tiến Dũng từng viết: “Lý do vì sao ư? Đơn giản thôi, tôi đã cạn vốn rồi. Những nụ cười tích cóp trong tôi bấy lâu dường như đã dùng hết, tôi không thể viết nổi những kịch bản tốt cho chương trình như thời gian trước nữa”.

Tình trạng nhàn nhạt không chỉ là “bước đệm” như lời nói của học sỹ Xoày Trọng Chấm (Phạm Dũng) mà kéo dài miên man, tới tận bây giờ. Chẳng biết có phải bế tắc trong việc chống nhạt hay không mà thấy ê kip viết kịch bản vận dụng cả yếu tố tục rất đường phố để gây cười.

Trong chương trình cách đây không lâu, họ bàn đến... lợn. Tiến sỹ Xoáy: Xin hỏi học sỹ, học sỹ có thể kể tên bao nhiêu giống lợn?. Học sỹ Chấm: Đứng về khía cạnh lợn học mà nói có lợn ỷ, lợn đen, lợn Mường Khương… Nếu kể về 12 con giáp, lợn gọi là hợi, tiếng địa phương là heo.

Sau hồi huyên thuyên khó cù khán giả, tiến sỹ đưa ra “bom tấn”: Học sỹ có thể cho biết sự khác nhau giữa lợn và heo?.

Học sỹ lại rườm rà lấp đầy thời gian phát sóng: Đứng về ngôn ngữ, có một số nơi gọi heo, một số nơi gọi lợn… Cuối cùng, tiến sỹ Xoáy cướp diễn đàn và chốt: Sự khác nhau giữa lợn và heo: Thưa quý vị, lợn nuôi để lấy thịt, heo nuôi để đóng phim.

Mới đây nhất học sỹ và tiến sỹ lại bàn tới một vấn đề khá hấp dẫn: Hôn. Học sỹ mở màn: Sau 20 năm tôi gặp một anh bạn, tự nhiên anh ấy ôm hôn tôi.

Tiến sỹ tiếp lời: Học sỹ của chúng ta râu ria có vẻ chuẩn man thế mà bị một anh bạn hôn lại thấy lạ. Tôi bắt đầu thấy lạ về học sỹ rồi đó. Được một người nam giới hôn thấy lạ, học sỹ có muốn hôn tiếp không? Học sỹ biết nhiều về hôn không?

Vị học sỹ lại giở chiêu gây cười cũ mèm: Cầu hôn là hôn nhau trên cầu. Tân hôn: Mới hôn xong. Từ hôn: Hôn một cách từ từ. Hoàng hôn: Hôn hoàng hậu v.v…

Rồi họ quay sang trả lời thắc mắc của khán giả: Dạo này, em không được chồng hôn nhiều như hồi chưa cưới, xin hỏi vì sao, cách khắc phục? Học sỹ kết luận: Bạn nên xem lại vấn đề môi, răng, miệng, lợi, bạn có viêm lợi không, có lấy cao răng thường xuyên không, có viêm dạ dày không… Nếu không, có thể chồng bạn đã nhiễm virus hacula (ham của lạ).

Chắc không mấy khán giả cảm thấy sảng khoái trước màn thư giãn vừa thô vừa vớ vẩn kiểu này.

Với dung lượng khoảng 15 phút phát sóng, đáng ra Hỏi xoáy- Đáp xoay phải khiến khán giả thèm. Đằng này món ăn tuy nấu ít nhưng nguy cơ ế lại cao.

Thời huy hoàng của Cù Trọng Xoay, có cả hiệp hội những người thích Hỏi xoáy- Đáp xoay, chẳng biết bây giờ hiệp hội ấy có còn tồn tại? May cho Đinh Tiến Dũng ra đi kịp thời, bảo toàn “thương hiệu” Cù Trọng Xoay và thiệt thòi cho Phạm Dũng, nhận vai học sỹ Xoày Trọng Chấm vô duyên.

Theo Tienphong online

Bình luận
vtcnews.vn