• Zalo

Hồi ức về Trịnh Công Sơn vang ca trong thời khắc lịch sử

Thời sựThứ Năm, 30/04/2015 12:30:00 +07:00Google News

Chúng ta là người Việt Nam. Đất nước này là đất nước Việt Nam. Chúng ta ở trên đất nước của chúng ta. Chính phủ cách mạng lâm thời sẽ đến đây…

Chúng ta là người Việt Nam. Đất nước này là đất nước Việt Nam. Chúng ta ở trên đất nước của chúng ta. Chính phủ cách mạng lâm thời sẽ đến đây… những thái độ hòa giải tốt đẹp. 

Lời tòa soạn: Ngày 30/4/1975, ông Nguyễn Hữu Thái (nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn) đã chứng kiến những sự kiện diễn ra ở Sài Gòn. Ông cũng là người đã cùng Đại đội trưởng Bùi Quang Thận cắm lá cờ chiến thắng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên nóc Dinh Độc Lập, người giới thiệu lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh trên Đài phát thanh Sài Gòn trưa 30/4/1975…
Tác giả Nguyễn Hữu Thái và nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. (Ảnh tư liệu) 

Là một “người trong cuộc,” ông đã ghi lại những điều mắt thấy tai nghe về những hành động của Đại tướng Dương Văn Minh - tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa trong ngày đất nước thống nhất trong cuốn sách “30.04.75.Sài Gòn - Sự kiện và đối thoại.”

Tiếp theo trích đoạn “Chúng tôi ở đây chờ gặp Chính phủ Cách mạng…,” báo điện tử VietnamPlus trân trọng giới thiệu những dòng hồi ức của ông về sự kiện nhạc sỹ Trịnh Công Sơn hát vang bài ca “Nối vòng tay lớn” trên sóng Đài phát thanh Sài Gòn trưa 30/4/1975. Nội dung này được in trong cuốn sách “30.04.75.Sài Gòn - Sự kiện và đối thoại.”  (Nguồn nội dung: Alpha Books cung cấp).

Xen kẽ vào các lời ghi âm sẵn phát đi phát lại nêu trên, chúng tôi tranh thủ kêu gọi đại diện đồng bào các giới đến lên tiếng trên làn sóng phát thanh.

Về phía nghệ sỹ thì nhạc sỹ Nguyễn Đức là người lên tiếng đầu tiên chào mừng thắng lợi vĩ đại của dân tộc và kêu gọi anh chị em nghệ sỹ yên tâm hợp tác với chính quyền cách mạng.

Có lẽ do nghe tiếng nói những người quen như tôi và Nguyễn Đức mà Trịnh Công Sơn mạnh dạn xuất hiện. Thấy trong đám đông ùa đến đài có nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, anh em sinh viên đưa anh vào.

Cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn Nguyễn Hữu Thái nói lời giới thiệu:

“… Cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định và chúng tôi xin công bố là thành phố Sài Gòn đã được giải phóng lúc 12 giờ ngày hôm nay, 30/4/1975. Chúng tôi xin đồng bào hãy bình thản và bình tĩnh tiếp tục cuộc sống bình thường.

Quân đội cách mạng đã làm chủ hoàn toàn thành phố và hiện tại, chúng tôi (như thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn và toàn quốc đã biết) xin giới thiệu anh Sơn có thể nói vài lời và cũng là hát cho quý vị nghe một bài ngăn ngắn.”
Dương Văn Minh-Tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa đầu hàng quân giải phóng. (Ảnh tư liệu TTXVN) 

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn chào mừng ngày độc lập và thống nhất:

“Tôi, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, rất vui mừng và cảm động gặp và nói chuyện với tất cả các anh em nghệ sỹ ở miền Nam Việt Nam này. Hôm nay là cái ngày mơ ước của tất cả chúng ta - đó là ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn tất cả đất nước Việt Nam này. Cũng như những điều mơ ước (của) các bạn bấy lâu là độc lập, tự do và thống nhất (thì) hôm nay, chúng ta đã đạt được những kết quả đó.

Tôi yêu cầu các văn nghệ sỹ cách mạng miền Nam Việt Nam này hãy hợp tác chặt chẽ với chánh phủ lâm thời miền Nam Việt Nam. Những kẻ đã ra đi, chúng ta xem như là đã phản bội đất nước.

Chúng ta là người Việt Nam. Đất nước này là đất nước Việt Nam. Chúng ta ở trên đất nước của chúng ta. Chính phủ cách mạng lâm thời sẽ đến đây… những thái độ hòa giải tốt đẹp. Các bạn không có lý do gì sợ hãi để mà ra đi cả. Đây là cơ hội đẹp đẽ và duy nhất để đất nước Việt Nam thống nhất và độc lập.

Thống nhất và độc lập là những điều chúng ta mơ ước từ mấy chục năm nay. Tôi xin tất cả các bạn thân hữu cũng như những người chưa quen với tôi ở lại và chúng ta kết hợp chặt chẽ với Ủy ban Cách mạng lâm thời để góp tiếng nói xây dựng miền Nam Việt Nam này…

Hiện tại, chúng tôi đang ở đài phát thanh Sài Gòn và chúng tôi mong các bạn chuẩn bị sẵn sàng để đến đây góp tiếng nói, để lên tiếng, để tất cả mọi người đều yên tâm và tôi xin tất cả các anh em sinh viên, học sinh của miền Nam Việt Nam này hãy yên ổn kết hợp lại với nhau, khóm phường đều kết hợp chặt chẽ để đón chờ Ủy ban Cách mạng lâm thời đến. Xin chấm dứt.

Tôi xin hát một bài. Hiện tại, ở trên đài không có đàn guitar. Tôi xin hát lại bài 'Nối vòng tay lớn.' Hôm nay, thật sự cái vòng tay lớn đã được nối kết.”

“Rừng núi dang tay nối lại biển xa. Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà. Mặt đất bao la, anh em ta về. Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời dộng, bàn tay ta nắm… nối tròn một vòng Việt Nam. Cờ nối gió đêm vui mỗi ngày. Dòng máu nối con tim đồng loại, dựng tình người trong ngày mới. Thành phố nối thôn xa vời vợi. Người chết nối linh thiêng vào đời và nụ cười nở trên môi.

Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay. Ta đi từ đồng hoang vu vượt hết núi đồi. Vượt thác cheo leo, tay ta vượt đèo, từ quê nghèo lên phố lớn nắm tay nối liền biển xanh sông gấm. Nối liền một vòng Việt Nam.”

Bài hát ra đời từ mấy năm trước, nói lên giấc mơ của dân tộc nay mới trở thành hiện thực. Đây là bài hát đầu tiên được phát lên sóng của Đài phát thanh Sài Gòn ngày giải phóng. Phải gần 20 năm sau, tôi mới gặp lại người bạn học cũ, gặp nhau trong ngày trọng đại.

Sau này, khi được nghe tiếng nói thật lòng của anh bộ đội Nguyễn Văn Thọ thì tôi càng thấy hết ý nghĩa cần thiết của tiếng hát Trịnh Công Sơn và bạn bè vào giờ phút lịch sử ấy:

“Bài hát đã có tác động làm chùng tay súng. Một ngày, một giờ mà sinh mệnh của hàng triệu con người nằm trên đường tơ kẽ tóc. Một sự kiện như thế thật quá trọng đại!” Đó là cảm giác ghi lại của anh bộ đội Nguyễn Văn Thọ khi tiến vào Sài Gòn trên chiếc xe Jeep Mỹ từ phía Củ Chi. Anh viết tiếp:

"'Mặt đất bao la anh em ta về gặp nhau trong bão lớn quay cuồng trời rộng…’

Lời ca không phải là tiếng thách thức tử thủ. Lời ca không phải là tiếng bể máu như kết cục thường có của chiến cuộc. Lời ca khi ấy làm chùng xuống không khí thù hận và hằn học. Chúng tôi tiến vào Sài Gòn… Chiến tranh bao giờ chẳng có mặt trái nhưng tiếng hát kia, bản nhạc ấy mở ra cho cả hai bên nghe như một liều thuốc vô hình đã làm chùng xuống một thời khắc dễ nổi cáu và nổi đóa.”
Buổi ghi âm lời đầu hàng của tướng Dương Văn Minh tại Đài phát thanh Sài Gòn trưa 30/4/1975. (Ảnh của nhà báo Kỳ Nhân, phóng viên Hãng thông tấn AP) 

Sau đó, bộ đội đưa đoàn tướng Minh về lại Dinh Độc Lập. Tôi đích thân đứng ra điều hành buổi phát thanh cho đến 4 giờ chiều thì giao lại cho nhóm anh em sinh viên Đại học Khoa học Sài Gòn do tôi phải lên trường Petrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong) nơi đóng quân của ban chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn gặp ông Mai Chí Thọ.

Sinh viên chỉ giao lại đài phát thanh cho ban phát thanh giải phóng vào tối hôm đó./.
 
Tác giả Nguyễn Hữu Thái sinh năm 1940 tại Đà Nẵng. Ông nguyên là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963-1964), một trong những người lãnh đạo sinh viên hoạt động tích cực trong phong trào đấu tranh đô thị miền Nam trong giai đoạn từ năm 1963-1975.

Tập sách “30.04.75.Sài Gòn - Sự kiện và đối thoại” do Nhà xuất bản Thế giới và Công ty Cổ phần Sách Alpha (Alpha Books) phát hành cuối tháng 4/2015.

Tựa đề “Hồi ức về Trịnh Công Sơn vang ca trong thời khắc lịch sử” do VietnamPlus đặt.

Video Chiến dịch không vận trẻ em năm 1975  

Nguồn: Vietnamplus
Bình luận
vtcnews.vn