Được nghe nhiều câu chuyện về người Rục sống trong hang đá, săn bắn hái lươm như người nguyên thủy ở vùng biên giới Quảng Bình, nhưng chưa một lần gặp gỡ khiến tôi rất tò mò.
Video: Cuộc sống trong hang đá như người nguyên thủy của người Rục ở Quảng Bình (Nguồn: VNE)
Theo chân đoàn công tác của Báo điện tử VTC News trao quà cứu trợ lũ lụt ở bản Mò O Ô Ô (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), tôi được tận thấy cuộc sống của người Rục sau hơn 60 năm được chính quyền phát hiện và đưa ra sinh sống tập trung.
Tiếc là thời gian quá ít ỏi, tôi ra về với tâm trạng tiếc nuối khi chưa kịp trò truyện với họ.
Chưa thỏa trí tò mò, tôi quyết định chạy xe máy gần 300km từ Huế ra Minh Hóa (Quảng Bình) để được gặp lại, để được nghe những người Rục kể về cuộc sống ở trong hang đá, ăn bột cây rừng và săn hổ dữ bằng tên độc.
Săn hổ lớn bằng tên độc
Những năm 1958-1959, Công an nhân dân Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) phát hiện nhóm người nguyên thủy sống giữa rừng ở khu vực biên giới Quảng Bình.
Đầu năm 1960, người Rục được vận động ra sinh sống tập trung, lúc ấy chỉ có 34 người. Tất cả họ được đưa về ở tại bản Mò O Ô Ô.
Bản Mò Ô Ô nằm cách thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa) hơn 30km và cách đường mòn Hồ Chí Minh hơn 10km. Để vào bản, tôi men theo con đường bê tông độc đạo, hai bên là vách núi và rừng già.
Theo sự hướng dẫn của một cán bộ đồn biên phòng Cà Xèng, tôi tìm đến nhà ông Hồ Pứa (75 tuổi, bản Mò O Ồ Ồ). Tại đây, tôi đã được nghe nhiều hồi ức về cuộc sống trong hang đã giữa rừng già của người Rục.
Bản thân ông Hồ Pứa cũng đã từng sống cuộc sống trong hang đá cách đây hơn 60 năm. Đến giờ ký ức về cuộc sống trong hang đã giữa núi rừng vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông Pứa.
Ông bảo: “Cũng lâu rồi không về thăm quê hương, thăm hang đá. Vào đó xa lắm nhưng nếu đi thì vẫn nhớ đường vào”.
Trong trí nhớ của ông Pứa, hồi ấy cả nhà ông sống trong một hang đá to gọi là cổng trời. Trong hang còn có 7-8 gia đình khác sinh sống, mỗi gia đình một khu. Gia đình nào không có hang thì lấy cây rừng dựng lán để ở.
Theo lời ông Pứa, lương thực của người Rục lúc đó chủ yếu từ săn bắt, hái lượm: "Từ tháng ba đến tháng sáu hằng năm, đồng bào Rục lại vào rừng tìm củ mài để ăn. Từ tháng bảy đến tháng 8, thực phẩm chính của người Rục là bột cây nhúc. Còn lại là hái lượm trái cây rừng và săn bắt thú. Người Rục dùng nỏ cùng những mũi tên tẩm độc dược chiết xuất cây rừng để đi săn".
"Cũng như bây giờ, ban ngày họ ra ngoài kiếm ăn, tối lại tìm vào hang để ngủ. Mặc lúc đó cũng đơn giản lắm. Người Rục lấy vỏ cây sung đập dập, phơi khô và kết thành khố. Trời lạnh, cả nhà nhóm lửa lên cùng quây quần sưởi ấm. Người Rục dùng đá hay những thanh sắt nhặt được để tạo ra lửa" - ông Pứa cho hay.
Theo các bậc cao niên ở bản Mò O Ồ Ô, hồi còn sống trong hang đá, không biết ngày tháng như bây giờ, chỉ có mùa mưa và mùa nắng. Mãi đến khi được chính quyền vận động ra ở tập trung tại bản và được đi học thì họ mới biết tính tuổi của mình.
Đến giờ ông Cao Tiến Thuỳnh (62 tuổi, ở bản Mò O Ồ Ồ) vẫn còn nhớ như in những lần cùng những người Rục khác đi săn thú rừng. Theo ông Thuỳnh, hồi ấy, vùng rừng núi ở Quảng Bình còn rậm rạp, có nhiều voi và hổ sinh sống. Có lần ông theo cha và một số người trong hang đi săn và bắt được một con hổ lớn.
Ông Thuỳnh kể: “Hôm đó, vừa sáng sớm, tôi đi theo 7 người lớn khác đi săn, tới một cái hang đá thì gặp một con hổ dữ rất lớn, lớn hơn 2 bao gạo. Mọi người bao vây rồi bắn tên độc vào nó, chừng 1 tiếng sau thì hổ chết. Sau đó, mọi người làm thịt ngay tại hang rồi đem về chia cho mọi người trong vùng ăn dần trong nhiều ngày”.
"Gieo duyên" cho người Rục với lúa nước
Theo thông tin mà cán bộ ở Đồn Biên phòng 585 Cà Xèng thì, nhờ sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, từ khi người Rục được vận động ra ở tập trung thì cuộc sống của họ đã dần thay đổi.
Khi đưa người Rục ra ở tập trung, các chiến sĩ biên phòng giúp họ làm nhà gỗ, cho họ áo quần để mặc. Sau này, được nhà nước xây nhà ở kiên cố, người Rục bắt đầu có cuộc sống ổn định hơn, biết chăm lo cho việc sản xuất nông nghiệp.
Năm 2012, lần đầu tiên, Đồn Biên phòng Cà Xèng giúp người Rục làm lúa nước. Hồi đó, Bộ đội biên phòng phải xuống từng nhà, vận động từng người đi học trồng lúa.
Mỗi mùa vụ, các chiến sĩ phải chỉ tận tay cách cày bừa, ủ giống, tra hạt giống. Rồi những mùa gặt đầu tiên, các anh cũng chỉ cho cách gặt hái, cách để lấy được hạt gạo.
Việc "nối duyên" cho người Rục với lúa nước cũng gặp không ít khó khăn. “Ruộng rẫy thì rộng, nhưng nếu để cho người dân họ tự làm thì họ chỉ để đó, phó mặc cho ông trời. Không biết cách chăm sóc, mùa màng cũng chả tốt lên được. Chúng tôi lại phải làm, lại phải vận động bà con xuống ruộng, tập làm” - một cán bộ công tác tại Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết.
Cũng nhờ sự giúp đỡ của các cán bộ Bộ đội Biên phòng Cà Xèng mà ngay vụ lúa đầu tiên, 10ha ruộng, đồng bào Rục đã thu về 3,5 tấn lúa/ha. Từ chỗ chỉ biết sống dựa vào cuộc sống săn bắn hái lượm như người nguyên thủy, người Rục bây giờ đã biết trồng lúa nước, cuộc sống dần được nâng cao.
Hơn chục năm trước, đồng bào Rục gần như 100% mù chữ, nhưng bây giờ nhiều người đã biết đọc, biết viết, con em ở đây đều được đi học.
Nhờ có trạm y tế ngay trong bản, người Rục không còn suy nghĩ ốm đau, bệnh tật là do con ma rừng nữa. Những hủ tục cũng dần được xóa bỏ. Từ chỗ chỉ có 34 người, hiện tại người Rục đã phát triển lên 93 hộ với 342 nhân khẩu.
Bình luận