(VTC News) - “Cứ mỗi khi đến dịp kỷ niệm chiến thắng lịch sử 30/4/1975, những hình ảnh oai hùng của thời khắc đó lại hiện về trong tôi. Tất cả như một thước phim vĩnh cửu của dân tộc… tự hào lắm, vui sướng lắm và cả những nỗi buồn với những giọt nước mắt cho bạn bè tôi, đồng chí tôi – những người con anh hùng đã mãi mãi không về cho ngày đại thắng này…”
Nhân kỷ niệm 35 năm chiến thắng lịch sử 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tôi đến gặp Trung tướng Phạm Xuân Thệ tại nhà riêng trên đường Nguyễn Hoàng Tôn, quận Tây Hồ, Hà Nội khi ngày lễ lớn đang đến gần.
Được đọc sách báo và biết tên tuổi của ông qua những bài giảng lịch sử trong suốt những năm còn là học trò. Hình ảnh về một người chiến sĩ gai sắc dũng trí cùng đồng đội áp giải Dương Văn Minh đến Đài Phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng vào cái khoảnh khắc lịch sử đó đã trở thành một ấn tượng từ lâu in đậm trong tôi.
Được đọc sách báo và biết tên tuổi của ông qua những bài giảng lịch sử trong suốt những năm còn là học trò. Hình ảnh về một người chiến sĩ gai sắc dũng trí cùng đồng đội áp giải Dương Văn Minh đến Đài Phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng vào cái khoảnh khắc lịch sử đó đã trở thành một ấn tượng từ lâu in đậm trong tôi.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ ôn lại những kỷ niệm hào hùng của thời khắc lịch sử 30/4/1975 bằng những tấm hình lịch sử. |
Trung tướng Phạm Xuân Thệ quê ở Khả Phong, huyện Kim Bảng, Hà Nam, ông tình nguyện xin nhập ngũ tham gia chiến trường chiến đấu vào tháng 8 năm 1967. Ông được điều động chiến đấu tại Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 thuộc Quân đoàn 2 lúc bấy giờ. Dù đã nghỉ hưu và đã ngoài 60 tuổi nhưng trông ông vẫn còn rất phong độ. Ông nói, ông còn giữ được vẻ rắn rỏi trẻ trung này là vì ông may mắn được là người lính của Cụ Hồ.
Ông bắt đầu câu chuyện bằng những hồi tưởng, giọng ông chậm rãi kể cho tôi nghe về cái ngày lịch sử đó. Khi tiến đánh vào Sài Gòn, ông là đại uý, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 với nhiệm vụ là chỉ huy đội hình bộ binh, đi đầu là tiểu đoàn 7, nhanh chóng tiến vào nội đô Sài Gòn và mục tiêu là đánh chiếm Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh, Bộ tư lệnh Hải quân ngụy quyền.
“Khoảng 17 giờ ngày 29/4, binh đoàn của tôi xuất phát tiến vào Sài Gòn, đến rạng sáng ngày 30/4 thì đến được cầu Sài Gòn, nơi đây địch phòng thủ rất mạnh với lực lượng được trang bị vũ khí tối tân. Hoả lực của địch từ các lô cốt, xe tăng, pháo phòng thủ liên tục từ phía bên kia sông bắn về phía ta. Tai đây ta và địch đã giao tranh rất quyết liệt. Những luồng đạn sáng lòe cứ lao vun vút cắt ngang bầu trời. Sau hàng tiếng đồng hồ chiến đấu, khoảng 8h sáng ngày 30/4 thì quân ta đã làm chủ được toàn bộ khu vực cầu Sài Gòn.
Bức ảnh chụp lúc Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ nói với Dương Văn Minh: "Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện không có bàn giao gì cả". |
Toàn cảnh Dương Văn Minh bị Quân giải phóng áp giải đến Đài phát thanh. |
Lúc này, ông cùng các đồng chí trung úy Phùng Bá Đam, trung úy Nguyễn Khắc Nhu, lái xe Đào Ngọc Vân, cùng hai chiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng và Bàng Nguyên Thất cùng trên chiếc xe Jeep – một chiến lợi phẩm ta thu được của địch từ chiến thắng ở Đà Nẵng nhanh chóng tiến vào nội đô. Chiếc xe Jeep này giờ đây với ông và các đồng chí trên xe hôm đó coi nó như là một kỷ vật của ngày chiến thắng, nó đã cùng ông vượt qua những chặng đường gian nan nhất để đến được ngày chiến thắng cuối cùng.
Ông bồi hổi kể tiếp: “Với tôi Sài Gòn lúc đó như một thế giới khác lạ mà tôi chưa bao giờ được gặp. Tôi có choáng ngợp một chút nhưng rồi nhanh chóng cùng các đồng chí khác tìm đường tìm đến Dinh Độc Lập. Tiếng súng giao tranh giữa ta và địch từ nhiều hướng khác vẫn vang lên rất ác liệt. Người dân Sài Gòn lúc bấy giờ hầu hết đã ẩn trú ở trong nhà để tránh đạn lạc. Đang lúc khó khăn tìm đường, thì may mắn có một thanh niên tay cầm cờ giải phóng chạy ra muốn chỉ đường cho chúng tôi. Chúng tôi đồng ý liền".
Một bức ảnh tư liệu màu hiếm hoi chụp cảnh Dương Văn Minh bị áp giải đến Đài Phát thanh mà Trung tướng Phạm Xuân Thệ lưu giữ. |
"Khi đến cổng Dinh Độc Lập, xe tăng của quân ta đã dũng mãnh lao thẳng hất tung cánh cổng chính Dinh Độc Lập, xe chúng tôi theo sát xe tăng do anh Lê Đăng Toàn chỉ huy tiến thẳng vào trong sân. Ở Dinh Độc Lập lúc này tôi đã nhìn thấy rất đông các phóng viên báo chí ở chân cầu thang, tôi liền hỏi họ đường đi để cắm cờ trên nóc Dinh. Nhiều người trong chúng tôi không nghĩ rằng nội các của Dương Văn Minh lúc đó đã có mặt ở trong để đợi quân giải phóng tiến vào. Một người xưng là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá cho Tổng thống Dương Văn Minh bảo tổng thống đang đợi trong phòng họp rồi mời chúng tôi vào làm việc".
Vừa kể lại với tôi, ông minh họa và chỉ các nhân vật có mặt hôm đó thông qua những tấm hình lịch sử do các phóng viên chụp lại. Ông Thệ với khẩu súng ngắn trên tay, theo ông Nguyễn Hữu Hạnh cùng các đồng đội quyết định vào gặp Dương Văn Minh.
"Sau khi nghe Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh giới thiệu, Dương Văn Minh tiến lại gần chúng tôi và nói: “Chúng tôi đã biết Quân giải phóng tiến công vào nội đô, tôi đang chờ Quân giải phóng vào để bàn giao". Trong câu nói của Dương văn Minh, tôi thấy không ổn, liền phản bác: “Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không bàn giao gì cả". Tôi để ý, lúc này Dương Văn Minh cúi gằm mặt xuống, dáng vẻ sợ sệt, lấy trong túi khẩu súng ngắn nộp lại cho tôi. Sau đó chúng tôi yêu cầu Dương Văn Minh phải tới đài phát Thanh để tuyên bố đầu hàng".
Trung tướng Phạm Xuân Thệ kể lại như in lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh trên Đài Phát thanh lúc đó: "Tôi: Đại tướng Dương Văn Minh - Tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi quân lực cộng hoà hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân giải phóng miền Nam - Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, giao chính quyền từ trung ương đến địa phương lại cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam - Việt Nam".
Trung tướng Phạm Xuân Thệ cùng 5 chiến sĩ có mặt trên chiếc xe Jeep tiến vào Dinh Độc Lập chụp ảnh lưu niệm cùng Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. |
Sau đó Chính uỷ Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng tuyên bố: "...Chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của Tổng thống chính quyền Sài Gòn. Thành phố Sài Gòn - Gia Định đã hoàn toàn giải phóng”!
“Lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh đã chính thức chấm dứt sự tồn tai của ngụy quyền Sài Gòn. Những binh đoàn của chúng ta đã hoàn toàn làm chủ nơi đây. Các chiến sĩ hò reo mừng chiến thắng và hòa chung là niềm vui và những cái ôm hôn của người dân Sài Gòn. Súng nổ mừng chiến thắng vang lên giòn giã suốt đêm. Chiến thắng thật là vĩ đại! Chiến thắng của cả một dân tộc yêu chuộng hòa bình và công lý”!
Kể đến đây giọng âm trầm xuống: “Cứ mỗi khi đến dịp kỷ niệm chiến thắng lịch sử 30/4/1975, những hình ảnh oai hùng của thời khắc đó lại hiện về trong tôi. Tất cả như một thước phim vĩnh cửu của dân tộc…tự hào lắm, vui sướng lắm và cả những nỗi buồn với những giọt nước mắt cho bạn bè tôi, đồng chí tôi – những người con anh hùng đã mãi mãi không về cho ngày đại thắng này… Thế đấy, chỉ cách giây phút chiến thắng có vài tiếng đồng hồ thôi, nhưng có bao nhiêu chiến sĩ đã ngã xuống chưa kịp được ăn mừng cùng đồng đội. Sự hi sinh của họ thật lớn lao và vinh quang. Rất nhiều máu đã đổ để có được ngày hôm nay…”
Trung tướng Phạm Xuân Thệ ôn lại kỷ niệm chiến thắng với những người chiến sĩ tới chúc mừng ông. |
Kể đến đây, câu chuyện của chúng tôi phải tạm ngưng vì có một đoàn chiến sĩ đến thăm và chúc mừng Trung tướng Phạm Xuân Thệ, dẫn đầu đoàn là Thiếu tướng Đỗ Đức Tuệ, Chính ủy Học viện Quốc Phòng. Ông Tuệ cho biết, đã nhiều năm rồi cứ đến những ngày này, vào đúng 11h30 phút là ông cùng vợ mình lại đến chúc mừng Trung tướng, nhưng năm nay do lịch công tác nên ông đã đến sớm hơn một ngày.
Thiếu tướng Đỗ Đức Tuệ tâm sự, vào cái thời khắc lịch sử ấy ông đã chính thức ngưỡng mộ Trung tướng Phạm Xuân Thệ bởi sự thông minh và gan dạ của người chiến sĩ Cụ Hồ khi ông Thệ đã phản bác lại Dương Văn Minh dùng từ “bàn giao” đối với những người chiến thắng.
Chúng tôi cùng gia đình Trung tướng Phạm Xuân Thệ nâng ly chúc mừng cho ngày thắng lợi trọn vẹn của dân tộc. Ông dặn dò tôi như một lời gửi gắm đối với thế hệ trẻ của đất nước: “Còn trẻ, các cháu cần phải trau dồi tri thức, cống hiến sức lực của mình đóng góp cho công cuộc xây dựng đât nước trong thời bình. Phải biết “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn công lao của cha ông ta, những người con đã ngã xuống cho độc lập tự do của đất nước. Phải khắc sâu hơn nữa lời dạy của Bác - “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”!
Chia tay ông cùng gia đình, tôi được ông thân mật mời đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4 đến nhà để cùng ông và bạn bè dùng bữa cơm nhân ngày chiến thắng. Niềm vui sướng nhất của ông là được cùng bạn bè, những người đồng chí đã sát cánh chiến đấu bên nhau được ôn lại những kỷ niệm hào hùng của dân tộc. Tôi ra về với một cảm giác tự hào, mắt tôi đã sáng hơn nhiều từ câu chuyện một người lính Cụ Hồ như ông.
Dương Lãng Hoàng
Bình luận