Tham dự Hội thảo có GS. TS Đinh Văn Tiến - Phó Hiệu trưởng nhà trường, ông Trần Đức Minh - Phó Hiệu trưởng, ông Nguyễn Như Tuấn - Phó Trưởng phòng thường trực Tổ chức - Cán bộ, ThSKH. Nguyễn Mạnh Khang - Phó Chánh văn phòng phụ trách văn phòng, ThS. Nguyễn Văn Long - Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Truyền thông, Đại diện lãnh đạo các khoa đào tạo: Luật kinh tế, Quản trị kinh doanh, Quản lý đào tạo.
Về phía Khoa Kinh tế có NGƯT. TS Bùi Văn Can – Chủ nhiệm Khoa Kinh tế, các Phó Chủ nhiệm khoa và các cán bộ giảng viên trong khoa, các sinh viên K26,27 chuyên ngành Quản lý kinh tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, NGƯT. TS Bùi Văn Can – Chủ nhiêm Khoa Kinh tế, cho biết, Hội thảo khoa học “Công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong bối cảnh mới“ do trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức hôm nay là diễn đàn khoa học trao đổi, góp tiếng nói chung vào việc đánh giá tình hình, đề xuất giải pháp ở các lĩnh vực, khía cạnh nào đó của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với mong muốn góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp đổi mới đất nước.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng là nội dung quan trọng trong chương trình đào tạo cử nhân và thạc sĩ tại trường Đại học Kinh Doanh và Công Nghệ Hà Nội, do đó Hội thảo là dịp tốt để giảng viên, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh có điều kiện lắng nghe, quán triệt và thẩm thấu đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh mới.
Hội thảo nhận được tổng số 24 bài tham luận của các giảng viên, các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, các học viện, các viện nghiên cứu và các cơ quan thực tế. Điều này chứng tỏ, chủ đề hội thảo là vấn đề rất được xã hội quan tâm trong bối cảnh hiện nay.
Hội thảo tập trung vào 10 vấn đề chính: Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh mới; Những tác động và thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên thế giới và Việt Nam; Những vấn đề kinh tế số và chuyển đổi số ở Việt Nam; Xu hướng phát triển nông nghiệp thông minh của thế giới và Việt Nam;
Làm rõ bối cảnh quốc tế mới tác động tới Công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở các nước và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; Dự báo xu hướng Công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thế giới và Việt Nam trong thời gian tới; Giải pháp thúc đẩy Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam; Nhân lực cho Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam thời gian tới; Vấn đề phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực trong quá trình Công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tại Hội thảo có 4 tham luận được trình bày gồm: Tham luận nội dung, đặc điểm và biểu hiện của công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh mới do PGS. TS An Như Hải - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - trình bày.
Tham luận Xây dựng và phát triển nền nông nghiệp thông minh ở Việt Nam do TS. Nguyễn Nam Giang Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam trình bày.
Tham luận Công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo do TS. Trần Thị Vân Anh khoa Kinh tế trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trình bày.
Hội thảo đã lắng nghe một số ý kiến đóng góp xây dựng vào các tham luận. Các tham luận nghiên cứu công phu, khá toàn diện cả về lý luận và thực tiễn về công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh mới, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Nội dung các tham luận cũng đánh giá khách quan thực trạng công nghiệp hóa, hiện đại hoá trong bối cảnh mới ở Việt Nam thời gian qua. Qua đó, trình bày các quan điểm định hướng và giải pháp nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh mới ở Việt Nam thời gian tới.
Bình luận