(VTC News) - Gần 80 đại biểu đại diện cho giới nghiên cứu Biển Đông trên cả nước đã tham gia thảo luận tích cực, thẳng thắn về chủ đề "nhạy cảm" này.
(VTC News) - Hôm qua 26/4, tại Hà Nội, Chương trình Nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Quốc gia lần thứ hai về Biển Đông với chủ đề “Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông: Lịch sử, Địa chính trị và Luật pháp quốc tế”. Gần 80 đại biểu đến từ các cơ quan, Viện Nghiên cứu và các học giả độc lập đại diện cho giới nghiên cứu Biển Đông trên cả nước đã tham gia thảo luận tích cực, thẳng thắn về chủ đề "nhạy cảm" này; đồng thời đưa ra những kiến nghị đáng chú ý.
Phát biểu tại Hội thảo, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh: muốn giải quyết được tranh chấp biển Đông, phải biết rõ những mặt mạnh và mặt yếu của cả ta và Trung Quốc để có thể đối phó được với những hệ lụy của cuộc tranh chấp này.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Nguyễn Xuân Diện)
GS Đặng Đình Quý, quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu về biển Đông nhận định: Sau Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) 17 - 2010 tại Hà Nội, tình hình biển Đông đã chuyển sang giai đoạn mới, cần phải có tư duy và phương pháp tiếp cận mới tương ứng.
Theo GS Đặng Đình Quý, vấn đề biển Đông từ chỗ chỉ được coi là tranh chấp giữa các nước trong khu vực đã được khẳng định là một vấn đề quốc tế, được đem ra bàn thảo ở những diễn đàn đa phương. Biển Đông đã trở thành vấn đề khá nổi bật trong chương trình nghị sự của ASEAN, thể hiện rõ quyết tâm chuyển từ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) sang Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Các nước trong khu vực ngày càng tỏ ra tự tin hơn, có lập trường rõ ràng về hoạt động của các bên liên quan trên biển Đông. Lập trường của Trung Quốc dường như cũng đã có nhiều thay đổi; có xu hướng sử dụng Công ước về Luật Biển (UNLOCs) nhiều hơn, có thay đổi trong hành vi ngoại giao cũng như có một số điểm mới trên thực địa.
Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền thông tin và tư liệu Ủy ban Biên giới quốc gia Nguyễn Trường Giang khẳng định, muốn giữ được chủ quyền về biển đảo, cần phải có nỗ lực của người dân. “Đồng thuận dân tộc mới giữ được chủ quyền, mà đồng thuận đó chỉ đạt được khi người dân có cùng nhận thức” - Ông Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.
Nhà sử học Nguyễn Nhã đưa ra các chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, gồm các văn bản của Việt Nam, các văn thư của người Trung Quốc cho thấy quần đảo đó là của Việt Nam; và các tư liệu của tàu bè hoặc người phương Tây, khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam.
"Chúng ta có nhiều văn bản quan trọng, đặc biệt là các châu bản (văn bản có thủ bút phê duyệt bằng mực son của vua - PV)", ông Nguyễn Nhã nhấn mạnh - "Nếu được dịch và phổ biến rộng rãi hơn nữa, tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ thuyết phục một cách mạnh mẽ hơn về chủ quyền".
Kể từ hội thảo lần đầu tiên ngày 17/3/2009, 2 năm qua, tại Việt Nam, số người tham gia nghiên cứu, số chương trình nghiên cứu, số lượng bài viết về biển Đông tăng lên đáng kể, nhưng chưa thể khẳng định rằng Việt Nam đã “mạnh” trong lĩnh vực này. Lực lượng chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan như lịch sử, văn bản cổ Trung Quốc và Việt Nam, công pháp quốc tế, địa chính trị… vẫn đếm trên đầu ngón tay; các bài viết đa phần vẫn là “nói cho nhau nghe” chứ không được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành, có uy tín của nước ngoài. Đại biểu Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh: "Không chỉ nói cho nhau nghe, mà còn phải nói cho nước ngoài nghe nữa".
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Nguyễn Xuân Diện)
Hội thảo nhất trí với một số ý kiến đề nghị đẩy mạnh nghiên cứu, nhất là nghiên cứu cơ sở pháp lý làm luận cứ cho đàm phán về biển Đông; tích cực quốc tế hóa vấn đề; duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực; đặc biệt là phải đầu tư cho con người. Một học giả so sánh: Trong vài năm qua, Trung Quốc có tới 36 luận án tiến sĩ về biển Đông, Việt Nam chưa có, nên chăng Chính phủ có những học bổng khuyến khích nghiên cứu sinh làm luận án về lĩnh vực này?
Cùng với các Hội thảo Quốc tế, Hội thảo quốc gia về Biển Đông là một kênh quan trọng để huy động tri thức của cả nước về vấn đề Biển Đông. Ban tổ chức bày tỏ mong muốn Hội thảo lần tới sẽ được sự hưởng ứng rộng rãi hơn nữa của giới học giả với nhiều tham luận chất lượng gửi về.
Bình luận