• Zalo

'Hơi sớm khi gọi thí sinh thi Olympia là nhân tài quốc gia'

Giáo dụcThứ Sáu, 20/09/2019 07:28:00 +07:00Google News

Gọi các bạn thi Olympia là nhân tài quốc gia là hơi sớm, thậm chí là hơi quá, bởi đây mới chỉ là bước đệm tốt để phát triển thành nhân tài.

Xung quanh câu chuyện Olympia có nhiều luồng ý kiến, cả ủng hộ và trái chiều. Trái chiều thì nói rằng: "Olympia là cuộc thi tìm kiếm nhân tài cho Australia”, “Chảy máu chất xám thì thi làm gì”. Trong khi đó, phía ủng hộ thì nêu ý kiến như là: "Họ là nhân tài toàn cầu, làm gì ở đâu là họ quyết định", "Các bạn đỗ đại học ra thành phố có về quê đâu"...

Trước hết, tôi xin chúc mừng học sinh vừa giành quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2019. Đây là 1 cuộc thi không dễ, giành được giải thưởng là điều đáng khích lệ. Không những vậy, giải thưởng này còn kèm 1 suất học bổng toàn phần ở Australia - cơ hội để tạo ra hướng đi hoàn toàn mới cho đường đời của em sau này.

nam2

Anh Lê Hải Nam, nghiên cứu sinh tại Đại học Dublin. (Ảnh: NVCC)

Quay lại các chủ đề trên, tôi xin đặt vấn đề khác với việc làm rõ ba câu hỏi: Thứ nhất, Olympia có phải là nhân tài quốc gia cần "bảo tồn" để phát triển dân tộc? Thứ hai, du học xong nên ở hay về? Thứ ba, chảy máu chất xám là tốt hay xấu, hay thực tế là không phải?

Thí sinh thi Olympia có phải nhân tài quốc gia?

Từ "nhân tài", nhất là có từ quốc gia đằng sau, đã và đang bị sử dụng 1 cách tuỳ tiện ở Việt Nam. Thi đỗ 1 kì thi cấp cơ sở, cấp đại học... cũng gọi là nhân tài; được đi du học bậc cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ (nhưng chưa biết dạng gì) cũng gọi là nhân tài.

Tôi thấy nếu như vậy thì nhân tài có lẽ "rẻ" quá. Hay nói cách khác, ước vọng về nhân tài của dân tộc đơn sơ và giản dị quá.

Việc gọi các bạn thi Olympia là nhân tài quốc gia là quyền của mỗi người. Nhưng cá nhân tôi nghĩ, các bạn thi Olympia, trước hết phải nói là có năng lực, nỗ lực tìm tòi, học hỏi và tham gia tranh đấu trong kỳ thi. Đây là điều đáng khích lệ.

trung--1568519225246203620858

Trần Thế Trung trở thành nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2019.

Tuy nhiên, về bản chất, đây cũng chỉ là kỳ thi mang nhiều tính chất học gạo và nhồi nhét theo cách luyện, nhớ và ra đáp án chính xác với tâm lý cứng. Các câu hỏi cũng ở mức sách giáo khoa, thường thức, chưa có tính khai phá kiến thức khoa học mới. Tất nhiên, điều tôi nói ở đây là đa số chứ ko phải là không có câu hỏi tư duy sáng tạo.

Do vậy, tôi cho rằng, gọi các bạn thi Olympia là nhân tài quốc gia, một là hơi sớm, hai là hơi quá.

Các bạn thi Olympia, giành quán quân nên được cho là có bước đệm tốt để phát triển thành nhân tài. Quá trình tu dưỡng, rèn luyện, học tập sau kỳ thi này ở đâu mới là quan trọng. 

Tôi cũng không nghĩ nước Australia coi các thí sinh Olympia là nhân tài hay vật báu mà phải “cướp” của Việt Nam. Nhưng chắc chắn, họ thấy được tiềm năng và khát vọng học tập của các bạn, có thể trở thành những tay thợ lành nghề cho Australia trong tương lai, vậy thôi.

Du học: Ở hay về?

Đây là chủ đề dài, nhưng nếu nói ngắn gọn lại thì việc đi du học bây giờ là bình thường. Ở hay về là quyết định cá nhân, nếu số tiền bạn sử dụng cho việc du học không kèm ràng buộc phải về cống hiến cho nơi bạn ra đi (ví dụ tiền chính phủ, ngoại giao...).

Do đó, học bổng Olympia là do Australia tài trợ, chưa thấy ai nêu ra điều khoản nào ràng buộc. Các bạn thi Olympia có ở lại hay về nước, tôi nghĩ với một người có đủ giáo dục và văn hoá hiểu biết sẽ coi đây là chuyện của cá nhân, chẳng phải vấn đề gì lớn lao.

Nhưng thực tế, Đường lên đỉnh Olympia là chương trình dành riêng cho học sinh Việt Nam. Các bạn được học bổng là vì tham gia cuộc thi này, và cuộc thi này chỉ dành riêng cho người Việt. Các bạn không thi với học sinh Anh, Pháp, Mỹ... Do đó, khi được học bổng toàn phần này, học sinh cũng nên có chút gì đó "cảm ơn" tới quốc tịch của mình thì hợp tình hơn.

Chảy máu chất xám?

Quan điểm về chảy máu chất xám có lẽ đã thuộc về thiên niên kỷ trước. Thế kỷ 21, thời đại toàn cầu hoá, người ta nói về công dân toàn cầu, tài năng toàn cầu, hay global competence.

Chất xám nên được coi là tài sản chung của nhân loại. Anh có chất xám thì có thể ngồi ở bất cứ đâu mà vẫn đóng góp được cho sự phát triển và luân chuyển kiến thức chung của nhân loại.

Tôi thấy đúng khi có người nói: "Chất xám hiện nay là tài sản chung được lưu chuyển trên thế giới". Vì vậy, quan điểm chảy máu chất xám nên được suy nghĩ lại. 

Lê Hải Nam
Bình luận
vtcnews.vn