15 năm trước, chị L. (64 tuổi, đến từ Hà Nội) được chẩn đoán ung thư vú. Chị phải cắt bỏ toàn bộ ngực phải, nạo vét hạch nách và chiếu tia xạ vào vùng ngực để phòng tránh tái phát.
Mặc dù nghe đến phương pháp tạo hình vú ngay sau ung thư nhưng ở thời điểm đó do không có điều kiện và cũng không tìm hiểu kỹ nên chị đành cam chịu cảnh sống bị mất một bên ngực.
Sau thời gian điều trị, sức khoẻ của chị L. phục hồi tố. Các đợt khám lại cho thấy chị đã sạch tế bào ác tính, không còn lo lắng về bệnh ung thư vú.
Tuy nhiên 3 năm gần đây, vùng ngực bên phải nơi chiếu xạ của chị bắt đầu có hiện tượng viêm loét. Vì ngại mổ xẻ nên chị chỉ dám sử dụng kháng sinh liều cao và thay băng vết thương nhiều đợt. Tuy nhiên tổn thương vẫn không cải thiện mà có xu hướng phát triển rộng hơn. Càng ngày vết thương chảy dịch không cầm được kèm theo các cơn đau đớn cắn rứt ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của chị L.
Chị tới Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để thăm khám, điều trị. Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt - Thẩm mỹ, bệnh nhân được kiểm tra tầm soát ung thư tái phát. Sau đó người bệnh được cắt bỏ rộng rãi tổ chức loét hoại tử và tái tạo thành ngực bằng phần da cơ phía sau lưng giúp tăng cường khả năng chống viêm loét, làm đầy đặn thành ngực.
Sau 1 tuần nằm viện, bệnh nhân hoàn toàn khoẻ khoắn, sinh hoạt bình thường trở lại và không còn khó chịu vì vết loét lâu liền. Đặc biệt, nhờ được tái tạo bầu ngực mới, bệnh nhân không còn thấy sợ và tự ti như trước.
BS Hà cho biết, viêm loét lâu liền là 1 tác dụng không mong muốn hay gặp sau xạ trị, đặc biệt tại vùng ngực sau cắt bỏ tuyến vú ung thư do tổ chức vùng ngực mỏng, mô đệm ít. Biến chứng có thể gặp bất kỳ thời điểm nào có thể là 1-2 năm sau xạ trị hoặc sau gần 20 năm như trường hợp của bệnh nhân L.
"Khi gặp biến chứng này, bệnh nhân nên đi khám sớm, loại trừ ung thư tái phát và điều trị viêm loét tránh tổn thương viêm loét kéo dài gây ung thư hoá. Bệnh nhân có thể kết hợp điều trị loét xạ trị và tạo hình lại luôn bầu ngực, kết hợp các chất liệu tự thân hoặc nhân tạo, chỉnh sửa giúp có hai bên ngực cân đối hơn. Nhờ tái tạo bầu ngực mới, người bệnh không chỉ được cải thiện về mặt sức khỏe mà còn cải thiện rất nhiều về mặt thẩm mỹ, tâm lý, khả năng hòa nhập đầy đủ với cuộc sống đời thường", BS Hà nói.
Tuy nhiên, để thực hiện được phương pháp điều trị này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ và giải phẫu bệnh.
Theo BS Nguyễn Thu Hằng, khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bệnh phẩm ngay sau khi cắt bỏ cần được sinh thiết tức thì, phối hợp chặt chẽ chuyên khoa giải phẫu bệnh để xác định tổn thương đã được cắt bỏ hoàn toàn hay chưa, có tế bào ác tính hay không.
Bên cạnh đó, việc tái tạo che phủ lại phần viêm loét cần phải được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên sâu tạo hình sau ung thư vú để đảm bảo lựa chọn được chất liệu che phủ phù hợp và thẩm mỹ.
Bình luận