Tháng 4/2022, chị Lê Phước Hồng Văn đi chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội để tìm gặp lại người bác sĩ từng cứu chữa cho mình hồi tháng 8/2021. Chị từng là bệnh nhân mắc COVID-19 nguy kịch được bác sĩ trẻ Đỗ Doãn Bách cứu sống ở Bệnh viện dã chiến số 16. Thế nhưng, chị chưa lần nào được nhìn thấy bác sĩ Bách, vì trong quá trình điều trị các bác sĩ đều mặc đồ bảo hộ kín mít.
Sau khi dịch COVID-19 ở TP.HCM dần lắng xuống, chị Văn lần theo thông tin ít ỏi từ các bác sĩ từng làm việc tại khu điều trị dã chiến. May mắn sau nhiều tháng tìm kiếm, chị Văn tìm gặp được bác sĩ Bách.
Lần đầu gặp lại sau 8 tháng dịch, chị ôm chặt lấy vị bác sĩ trẻ cứu sống mình. "Cảm ơn bác sĩ cứu sống không chỉ tôi mà còn rất nhiều bệnh nhân khác nữa", chị Văn khóc.
Bác sĩ Đỗ Doãn Bách kể lại, thời điểm đó, chị Văn vừa sinh con thứ hai, được chuyển đến từ Bệnh viện Hùng Vương khi phổi đã bị tổn thương, phải thở máy. Tình trạng sức khoẻ của chị Văn lúc ấy hôn mê sâu, tỷ lệ sống thấp. Thế nhưng, điều kỳ tích đã xảy ra, cơ thể chị thích ứng nhanh với phác đồ điều trị COVID-19, dần dần sức khoẻ tốt lên.
Khi mới được chỉ định cai máy thở, chị không nói được, có biểu hiện hoảng loạn sau hơn 15 ngày điều trị liên tục. "Tôi biết, điều cần nhất cho chị Văn lúc này là liều thuốc tinh thần. Tôi cố gắng trấn an sản phụ và đưa cho chị một tờ giấy để viết thông tin liên lạc của người nhà", bác sĩ Bách nói.
Lúc ấy chị viết nguệch ngoạc lên tờ giấy số điện thoại của chồng, sau đó bác sĩ Bách cố gắng đưa được điện thoại vào bên trong phòng cách ly để hai vợ chồng gọi điện gặp nhau qua Zalo. Được gặp chồng và con gái đầu lòng, chị như bừng tỉnh, cuộc gọi đó là động lực để chị dũng cảm chiến thắng COVID-19 và ra viện. "Tôi hiểu rằng được gặp người nhà là liều thuốc tốt nhất với chị lúc này", bác sĩ Bách kể lại.
Không chỉ chị Văn, bác sĩ Đỗ Doãn Bách cũng nhận được rất nhiều lời hỏi thăm, lời cảm ơn, họ đã coi anh là bạn, người thân trong gia đình từ sau cuộc gặp gỡ định mệnh giữa TP.HCM khi đại dịch.
Tháng 8/2021, khi dịch ở TP.HCM ở đỉnh điểm, bác sĩ Đỗ Doãn Bách (sinh năm 1991, công tác tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội) viết đơn xung phong vào trận địa chi viện cho trái tim miềm Nam.
Anh nhớ như in cuộc điện thoại lúc 5h của Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai thông báo gấp rút lên đường chi viện. Đang ở viện trong ca trực đêm, Bách tức tốc về nhà thu dọn vài bộ quần áo, đồ dùng cá nhân để lên đường, chỉ kịp dặn dò vợ con vài câu.
Đúng 8h, bác sĩ trẻ Doãn Bách cùng đoàn có mặt ở sân bay làm thủ tục. "Dù chỉ có 2 giờ đồng hồ gấp rút chuẩn bị đồ đạc nhưng trước đó, tôi đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng lên đường chi viện bất cứ lúc nào", Bách nói.
Đoàn các bác sĩ tình nguyện của Bệnh viện Bạch Mai được phân công nhiệm vụ thành lập Bệnh viện Dã chiến số 16 tại TP.HCM. Bác sĩ Bách phụ trách điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng nhất thuộc tầng 5 (trong tháp điều trị 5 tầng của TP.HCM).
Dù nắm được tình hình dịch bệnh tại TP.HCM nhưng khi bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân trực tiếp, anh thực sự thấy hoang mang. Bệnh nhân được đưa vào liên tục, chuông điện thoại vang không ngừng cả ngày, tiếng xe cấp cứu chạy suốt trên đường. “Hầu hết những người được đưa vào khu điều trị tầng 5 đều không rõ tên, địa chỉ vì tất cả họ được xe cấp cứu đưa đến trong tình trạng hôn mê, an thần, thở máy”, Bách kể.
Mỗi ngày làm việc liên tục 12 -14 tiếng trong khu điều trị, Bách cùng các bác sĩ luôn trong tình trạng căng mình để chăm sóc, điều trị và cố gắng cứu bệnh nhân hết sức có thể. Mỗi lần chứng kiến bệnh nhân vượt qua nguy kịch, sức khỏe tốt hơn, các bác sĩ cảm thấy nhẹ nhõm, an lòng khi tan ca.
Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở TP.HCM, song song với công tác điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Dã chiến số 16, bác sĩ Đỗ Doãn Bách cũng sáng lập và vận hành “Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành”, trực tiếp gọi điện hỗ trợ các bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà.
Mục tiêu của Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành là cố gắng tạo công cụ để làm sao tất cả bác sĩ trên cả nước đều có thể hỗ trợ được các tỉnh, thành phía nam bị quá tải y tế thời điểm đó. Mạng lưới tiếp cận được những bệnh nhân F0 để tư vấn, làm giảm sự hoang mang, lo lắng của người bệnh và sàng lọc những trường hợp nào thực sự cần phải vào viện.
Kể từ khi tham gia chống dịch, nhiều bệnh nhân biết số điện thoại của bác sĩ Bách nên chủ động gọi điện đến nhờ tư vấn trực tiếp, người quen cũng gọi xin tư vấn. Vì thế điện thoại của anh không lúc nào ngừng đổ chuông. Anh thừa nhận có những thời điểm tiếng chuông điện thoại đổ dồn đến ám ảnh. "Nhưng các lần trò chuyện, tư vấn được cho F0 giúp tôi lấy lại tinh thần, tiếp tục công việc giúp đỡ bệnh nhân. Bây giờ thì không có tình huống nào khiến tôi lo lắng quá mức nữa, trải qua quãng thời gian dịch COVID-19 trên cả nước cao điểm giúp tôi rút ra được rất nhiều kinh nghiệm quý giá", bác sĩ nói.
Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành được ví như "trận chiến trên mây". Doãn Bách, các bác sĩ và bệnh nhân không biết mặt nhau, họ chỉ nghe thấy tiếng của nhau qua điện thoại. Các bác sĩ cũng chỉ mong một ngày gọi điện tư vấn được càng nhiều ca bệnh càng tốt, để người dân lấy lại niềm tin, bình tĩnh, không còn hoảng loạn.
Sau dịch COVID-19, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành được chuyển giao cho Bộ Y tế và bắt đầu bàn giao cho Sở Y tế của các địa phương tiếp quản.
Đến giờ, nhiều người từng bị dương tính vẫn gọi cho anh để chia sẻ, tâm sự và thắc mắc về những dấu hiệu hậu COVID-19 để nhờ giúp đỡ. “Tôi vui vì mọi người vẫn nhớ đến mạng lưới này và nhớ đến tôi. Hy vọng những kiến thức y học lâm sàng của tôi sẽ giúp đỡ được nhiều bệnh nhân hồi phục và vá lành vết thương về thể lực, tâm hồn sau đại dịch COVID-19”, Bách tâm sự.
Trận chiến COVID-19 ở TP.HCM đã qua đi, sự hy sinh, cống hiến của bác sĩ Đỗ Doãn Bách, Dương Minh Tuấn và Nguyễn Quốc Hội có thể không thấm vào đâu so với hàng nghìn bác sĩ, y tá khác trên khắp mọi miền Tổ quốc nhưng họ vẫn sẽ trở thành những người hùng trong lòng nhân dân.
Đau thương nào rồi cũng sẽ qua, mất mát rồi sẽ phải bù đắp và với những y, bác sĩ - những người phải thực sự chiến đấu bằng cả 200 - 300% sức lực họ cũng coi đó là “việc bình thường”, là nhiệm vụ, trách nhiệm của người chiến sĩ áo trắng. Cũng như mỗi người từng chứng kiến những ngày khốc liệt, họ đều nỗ lực gấp nhiều lần khả năng, sức lực, tinh thần để góp phần cùng thành phố vượt qua đại dịch, và lại tiếp tục nỗ lực để bù đắp mất mát, xoa dịu những vết thương.
Có lẽ, cũng phải lùi lại chừng 6 tháng, một năm thì những cảm xúc đau thương ấy mới lắng xuống. Lúc đó, hồi ức về những tháng năm này sẽ đi vào lịch sử, trở thành bản hùng ca cho cả dân tộc đi lên, hồi sinh mạnh mẽ hơn từ đống đổ nát, từ những mất mát và từ xương máu, nước mất mát ngay giữa thời bình.
Bình luận