Còn nhớ, hơn 70 năm trước, ngay sau Lễ Quốc khánh 2/9/1945, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bước và cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong bộn bề khó khăn, thử thách; trong điều kiện kháng chiến gian khổ, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm sâu sắc đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, của bộ đội và đội ngũ cán bộ. Ngành Y tế cách mạng non trẻ của ta cũng trưởng thành trong những ngày khói lửa ấy.
Chúng ta nhớ mãi lời dạy của Bác Hồ: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần sức khỏe mới thành công”. Người căn dặn: “Mỗi một người dân yếu ớt là cả nước yếu ớt, dân cường thì nước mạnh”.
Sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, gần 20 năm kháng chiến chống Đế quốc Mỹ xâm lược và hơn 40 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân của chúng ta có bước trưởng thành vượt bậc về mọi mặt.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII), Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến công tác y tế, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân đã tạo cho công tác này cơ sở pháp luật, cơ sở chính trị, xã hội để phát triển toàn diện, mạnh mẽ.
Nhận thức của toàn dân về bảo vệ, chăm lo sức khỏe, xây dựng sự nghiệp ý tế có bước chuyển rõ rệt, nhất là trên các mặt: Chế độ dinh dưỡng; việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; hệ thống cung cấp nước sạch; các thiết chế văn hóa, y tế, thể thao; công tác phòng chống ma túy, hạn chế lạm dụng rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích; phong trào luyện tập thể dục thể thao… Nhờ đó, thể lực, tầm vóc, trí tuệ của người Việt Nam được cải thiện và nâng cao.
Bên cạnh nỗ lực và thành tích nêu trên, việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân những năm qua cũng bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém, khuyết điểm. Chúng ta mới quan tâm và tập trung chữa bệnh, phòng bệnh mà chưa chú ý đúng mức đến các yếu tố: Dinh dưỡng; chăm sóc sức khỏe ban đầu; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường; rèn luyện thân thể; điều kiện lao động, sinh sống.
Chất lượng khám, chữa bênh chênh lệch lớn giữa các tuyến, tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, nhất là tuyến Trung ương chậm được khắc phục. Năng lực, trình độ và cả y đức của một bộ phận thầy thuốc, nhân viên y tế còn hạn chế. Việc quản lý y tế tư nhân, các cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài còn bất cập. Chưa phát huy đúng mức vị trí, lợi thế của y học cổ truyền. Công nghệp dược và thiết bị y tế có bước tiến nhưng chưa tương xứng với tiềm năng.
Việc quản lý chất lượng, giá cả thuốc và vật tư y tế còn yếu. Đội ngũ chuyên gia, bác sỹ có trình độ cao tuy có bước tăng đáng kể nhưng mới tập trung ở các đô thị lớn. Tỷ lệ điều dưỡng viên trên số bác sỹ còn thấp, thua xa so với mức trung bình thế giới. Chi ngân sách nhà nước và bảo hiểm xã hội cho công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân tăng khá (đến nay khoảng 7 - 8% GDP) nhưng mức chi bình quân đầu người còn thấp, mệnh giá thẻ BHYT còn nhỏ.
Y tế tư nhân chưa được quan tâm. Công tác quản lý nhà nước về y tế, tổ chức hệ thống y tế, cơ chế chính sách về y tế tuy có nhiều cố gắng và kết quả nhưng cũng bộc lộ không ít non yếu, bất cập.
Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định: Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và toàn xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đòi hỏi sự tham gia của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, trong đó ngành y tế là nòng cốt.
Nhà nước cần ưu tiên đầu tư ngân sách và có cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; ưu tiên đầu tư ngân sách và có cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác này; tổ chức cung cấp dịch vụ theo yêu cầu; khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở chăm sóc sức khỏe đã được đầu tư. Đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công tư, đầu tư của tư nhân, khuyến khích mạnh mẽ vào cung cấp các dịch vụ cao cấp theo yêu cầu.
Phát triển nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc, đại chúng. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng; y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế phổ cập; phát triển công nghiệp dược; gắn kết y học cổ truyền với y học hiện đại.
Thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Chi phí cho các dịch vụ y tế ở mức cơ bản do ngân sách và BHYT chi trả; chi phí vượt mức cơ bản do người sử dụng dịch vụ chi trả. Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và có cơ chế giá.
Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu cao về chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Hệ thống y tế phải rộng khắp, gần dân, vì dân, hoạt động hiệu quả. Tổ chức tinh gọn xuyên suốt về chuyên môn đồng thời đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương.
Mục tiêu tổng quát của sự nghiệp này là nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và hội nhập. Phát triển nền y học khoa học, dân tộc, đại chúng. Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe. Xây dựng đội ngũ “Thầy thuốc như mẹ hiền”, tâm huyết, yêu nghề, có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, dân số Việt Nam đạt tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi; trong đó số năm sống khỏe đạt 67 năm. Tỷ lệ người tham gia BHYT đạt 95% dân số; Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm 35%. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt tối thiểu 95% với 12 loại vắc xin.
Giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi còn 18,5%o, dưới 1 tuổi còn 12,5%o. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 20%. Tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới mức 12%. Chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 167 cm, nữ 156 cm.
Phấn đấu trên 95% dân số được quản lý sức khỏe; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Đạt 30 giường bệnh viện, 10 bác sỹ, 2,8 dược sỹ đại học, 25 điều dưỡng trên 10.000 dân. Tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10%, tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%.
Phấn đấu đến năm 2030 đạt tuổi thọ trung bình khoảng 75 tuổi; trong đó số năm sống khỏe đạt 68 năm. Tỷ lệ tham gia BHYT trên 95% dân số; Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%.
Đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt 95% với 14 loại vắc xin. Giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi còn 15%o, dưới 1 tuổi còn 10%o. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 15%; khống chế tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới mức 10%. Chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ 157,5 cm.
Phấn đấu 100 % dân số được quản lý sức khỏe; 100 % trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Đạt 32 giường bệnh viện, 11 bác sỹ, 3,0 dược sỹ đại học, 33 điều dưỡng trên 10.000 dân. Tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%. Tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 90%. Cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét.
Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gồm: Thứ nhất, tăng cường bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mỗi người dân trong nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam. Khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng cho mọi người và cho từng nhóm tuổi, thể trạng, bệnh tật.
Triển khai các chương trình bổ sung vi chất cần thiết, nhất là cho phụ nữ có thai, trẻ em, người cao tuổi. Triển khai rộng rãi phương thức kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên nguy cơ, sản xuất kinh doanh theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.
Tập trung chỉ đạo công tác phòng chống và cai nghiện ma túy, đẩy mạnh cai nghiện tự nguyện, dùng thuốc thay thế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá. Đổi mới giáo dục thể chất trong nhà trường. Phát triển mạnh phong trào rèn luyện thân thể; thể dục buổi sáng, giữa giờ trong cộng đồng dân cư, cơ quan, trường học. Khai thác hiệu quả các thiết chế thể dục thể thao.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm ô nhiễm môi trường. Tập trung nguồn lực xây dựng, nâng cấp hệ thống cấp, thoát nước, khắc phục ngập úng ở một số đô thị lớn. Tăng cường cải tạo, hạn chế san lấp hệ thống kênh rạch, hồ ao; chống lạm dụng hóa chất trong nuôi trồng.Triển khai các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an toàn lao động, phòng chống tai nạn thương tích, cháy nổ, bệnh nghề nghiệp. Tăng cường tuyên truyền, vận động xóa bỏ các tập tục lạc hậu, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thứ hai, nâng cao năng lực phòng chống dịch, bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Ứng phó kịp thời các tình huống khẩn cấp, bảo đảm an ninh y tế. Đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, bệnh lao, bệnh sốt rét. Củng cố vững chắc hệ thống tiêm chủng. Tăng số vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng phù hợp với khả năng ngân sách.
Đẩy mạnh kết hợp quân dân y, y tế vùng biên giới, biển đảo. Kết nối y tế cơ sở với các phòng khám tư nhân, phòng chẩn trị đông y trên nguyên lý y học gia đình. Triển khai đồng bộ các hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm; chú trọng dự phòng, phát hiện sớm, quản lý, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở.
Đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân. Triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý trạm y tế, tiêm chủng, hồ sơ sức khỏe người dân gắn với quản lý thẻ, thanh toán BHYT.
Thiết lập hệ thống sổ sức khỏe điện tử cho từng người dân. Thực hiện cập nhật các thông tin, chỉ số sức khỏe khi đi khám, chữa bệnh, khám sức khỏe. Có cơ chế, lộ trình từng bước thực hiện để mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khỏe và khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 1 lần.
Chú trọng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và các đối tượng ưu tiên, phát triển các mô hình chăm sóc người cao tuổi phù hợp.
Thứ ba, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện. Phát triển hệ thống khám chữa bệnh, phục hồi chức năng hoàn chỉnh ở từng tỉnh, thành phố bên cạnh một số bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện đại học, bệnh viện thuộc lực lượng vũ trang.
Hoàn thiện hệ thống phác đồ, quy trình, hướng dẫn điều trị thống nhất trong cả nước. Ban hành tiêu chí đánh gia, thực hiện kiểm định độc lập, xếp hạng bệnh viện theo chất lượng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thực hiện lộ trình thông tuyến khám chữa bệnh gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ và có chính sách khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ngay tại tuyến dưới. Kiên quyết thực hiện lộ trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám, chữa bệnh.
Phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; luân phiên cán bộ y tế; chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho tuyến dưới. Ban hành danh mục dịch vụ kỹ thuật các tuyến phải có đủ năng lực thực hiện, tiến tới bảo đảm chất lượng từng dịch vụ kỹ thuật đồng đều giữa các tuyến.
Xây dựng và thực hiện chương trình phát triển y học cổ truyền, tăng cường kết hợp với y học hiện đại trong phòng bệnh, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe. Mở rộng danh mục dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc từ dược liệu vào danh mục thanh toán BHYT.
Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức; xây dựng bệnh viện xanh-sạch- đẹp, an toàn, văn minh. Có cơ chế về nhân lực, giá dịch vụ để bệnh viện từng bước có đủ điều kiện thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh, bao gồm cả dinh dưỡng, tư vấn, tâm lý...
Tăng cường khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách. Triển khai các mô hình tổ chức linh hoạt, phù hợp với điều kiện từng nơi để bảo đảm dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển ngành dược và thiết bị y tế. Bảo đảm đủ thuốc với chất lượng tốt, giá hợp lý đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khuyến khích sử dụng thuốc sản xuất trong nước.
Tăng cường đấu thầu tập trung, giảm giá thuốc, thiết bị, vật tư y tế. Hoàn thiện cơ chế đầu tư, mua sắm và kiểm soát chặt chẽ chất lượng dược phẩm, thiết bị, vật tư y tế, chống thất thoát, lãng phí.
Quản lý chặt chẽ nhập khẩu thuốc, hệ thống các nhà thuốc trong và ngoài bệnh viện. Tập trung chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không đúng quy định về kê đơn. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý việc bán thuốc của các nhà thuốc trên toàn quốc.
Củng cố hệ thông phân phối thuốc bảo đảm kỷ cương pháp luật, hiệu quả, chuyên nghiệp. Thực hiện nghiêm các quy định về quyền phân phối thuốc, không để doanh nghiệp nước ngoài thực hiện phân phối thuốc trá hình. Đẩy mạnh phòng chống sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Kiểm soát chặt chẽ thực phẩm chức năng và hàng hóa có nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Tập trung phát triển dược liệu, nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất thuốc, vắc xin cần thiết. Đầu tư đủ nguồn lực để làm chủ công nghệ sản xuất văc xin tích hợp nhiều loại trong một, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêm chủng mở rộng trong nước, tiến tới xuất khẩu. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế tạo thiết bị y tế, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị dược phẩm trong khu vực và thế giới.
Bình luận