Giây phút ký Hiệp định
Suốt 5 năm tham gia bàn đàm phán Paris, nhà báo Hà Đăng- nguyên là Người phát ngôn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris luôn đinh ninh rằng sẽ có một ngày Mỹ phải kí kết hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam.
Và đúng như thế, 1 tuần sau thất bại với trận “Điện Biên phủ trên không” cuối năm 1972, Mỹ đã phải nối lại bàn đàm phán. Sau đó 3 tuần thì Mỹ đã chính thức kí hiệp định theo đúng đòi hỏi của chúng ta. Đó là những đòi hỏi mà trước đó Mỹ muốn ép ta phải thay đổi bằng nỗ lực chiến tranh cuối cùng của họ- tức là trận tập kích chiến lược bằng B52 đánh vào miền Bắc Việt Nam.
Hội nghị Paris. Ảnh tư liệu
Nhà báo Hà Đăng nhớ lại: “Khi nhìn các bên kí hiệp định, tôi như được sống trong giây phút vừa hiện thực, vừa lãng mạn, mường tượng đến ngày này 2 tháng sau, khi quân Mỹ phải cuốn cờ về nước, đánh dấu sự chấm dứt của quân chiếm đóng nước ngoài ở nước ta”.
Không ai có thể kìm nén sự xúc động khi chứng kiến giờ phút kí hiệp định Paris. Có được thành công ấy, những con người đã từng tham gia Hội nghị Paris như cố vấn Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Xuân Thủy hay bà Nguyễn Thị Bình- trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã trải qua những cuộc đấu trí một mất một còn.
Ông Lưu Văn Lợi- Thư kí riêng của đồng chí Lê Đức Thọ vẫn nhớ:Ông Sáu Thọ vốn là một người thích làm thơ, yêu thơ ngay cả khi bị giam cầm trong chốn ngục tù. Ấy thế mà, suốt 5 năm đàm phán tại Paris, ông không làm nổi một bài thơ.
“Tháng 6/1968, bác Thọ được Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo làm cố vấn đặc biệt, sang dự cuộc nói chuyện với Mỹ ở Paris. 5 năm trời bác không làm một bài thơ nào. Tất cả tâm hồn, trí tuệ và suy nghĩ của bác đều tập trung cho cuộc đàm phán với Mỹ- một nước gây ra chiến tranh với chúng ta, hùng mạnh hơn chúng ta về mọi mặt, với những nhà ngoại giao sừng sỏ”, ông Lưu Văn Lợi cho biết.
“Phòng hạnh phúc”, “bao vây hữu nghị”
Với những thành viên trong đoàn đàm phán, không ai có thể quên kỷ niệm về “Phòng hạnh phúc”. Đó là “ám hiệu” về căn phòng bí mật chống nghe trộm. Ông Phạm Ngạc-nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao nói: “Chúng tôi gọi đó là “Phòng hạnh phúc” bởi vào đó là yên tâm lắm, thoải mái trao đổi không sợ lộ bí mật.
Hồi xưa lúc Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang họp hội nghị Fontainebleau phải ra ngoài đi dạo. Khi chúng tôi sang Geneve cũng vậy, phải đi ra ngoài vườn nói chuyện để không bị nghe lén. Còn khi vào “Phòng hạnh phúc” thì lại yên tâm trao đổi về kế hoạch tác chiến đấu tranh ngoại giao”.
Còn với ông Nguyễn Khắc Huỳnh- nguyên Vụ trưởng Vụ tổng hợp, Bộ Ngoại giao, ấn tượng không thể phai mờ là những cuộc “bao vây hữu nghị” mà bạn bè quốc tế dành cho phái đoàn của ta: “Tôi còn nhớ, khi tôi sang Italy, cuộc míttinh vừa kết thúc thì hàng vạn thanh niên bao vây hội trường nơi chúng tôi đến phát biểu.
Tôi quay lại nói với đồng chí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Italy là “chúng tôi bị bao vây rồi đấy”, thì ông ấy nói “đó là cuộc bao vây hữu nghị, rất hữu nghị, là biểu hiện tình cảm của nhân dân Italy với những người Việt Nam, những người Việt Nam đang chiến đấu, đàm phán ở Paris”.
Không chỉ có sự đoàn kết của bạn bè quốc tế mà sự ủng hộ của bà con Việt Kiều tại Paris cũng chính là nguồn động lực để những người con xa quê đang ngày ngày đấu tranh với kẻ thù trên bàn đàm phán có thêm niềm hi vọng. 5 năm đàm phán cũng là 5 cái Tết xa quê đối với những ai tham gia hội nghị Paris. Thiếu thốn tình cảm, nhưng hương vị của ngày Tết cổ truyền dân tộc thì không thiếu bởi những thành viên của đoàn đàm phán được sống trong tình cảm thương yêu, trìu mến của bà con Việt Kiều.
Ông Phạm Ngạc nhớ mãi cuộc gặp gỡ với bà con vào dịp Tết năm 1971. Không chỉ là những món ngon quê nhà, họ còn được thưởng thức những vở kịch, vở cải lương do chính đồng bào mình thể hiện tại thủ đô Paris.
“Dịp đó chúng tôi rủ nhau đến nhà tương tế của Paris gặp gỡ, diễn văn nghệ. Anh chị em bên đó chủ yếu là trí thức miền Nam, họ đã chọn cải lương để hát. Anh Tổng thư kí- Nguyễn Ngọc Hà cũng đóng vai chính, có lúc đưa cả vợ con lên sân khấu. Các bạn sinh viên cũng hát những bài hát cách mạng, kháng chiến. Đó là chương trình vui nhất”, ông Ngạc kể.
Món bánh cuốn sau mỗi lần thương thảo
Và không mấy ai biết rằng, món bánh cuốn Việt Nam cũng có mặt ở Paris sau những lần thương thảo tại hội nghị. Chuyện kể rằng, đồng chí Xuân Thủy đã giao cho nhà bếp chuẩn bị món bánh cuốn, nước chấm cà cuống để mỗi khi thương thảo thành công sẽ cùng tổ chức liên hoan. Ông còn cho mời phía đối phương thưởng thức món ăn dân dã này khi hai bên đạt được nguyện vọng của mình trên bàn đàm phán.
Ông Tăng Văn Soát, bảo vệ đoàn nhớ lại: “Nhiều khi có những cuộc họp phát sinh của hai đoàn lớn, cần gặp nhau để bàn bạc. Những ngày ấy chúng tôi cũng phải phục vụ cho cuộc họp. Thấy gu của họ thích ăn bánh cuốn, ông Xuân Thủy chỉ đạo làm ngay. Làm bánh cuốn ngay ở nơi họp, khi nào cuộc họp thành công thì mang bánh cuốn, nước mắm cà cuống ra chiêu đãi hai đoàn”.
Kỷ niệm về 5 năm đàm phán tại hội nghị Paris không bao giờ có thể kể hết. Điều đó cũng giống như viết về một câu chuyện dưới nhiều góc độ khác nhau thì con mắt nhìn cũng vô vàn chi tiết không giống nhau. Chỉ có điều, mỗi câu chuyện là một kí ức không thể phai mờ và rất đáng trân trọng, cũng giống như giờ phút chúng ta có trong tay hòa bình thật đáng quý biết bao!.
Nhóm PV/VOV
Bình luận