Hội nghị được được tổ chức theo hình thức trình bày kết hợp với tọa đàm, thể hiện góc nhìn đa chiều của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về các vấn đề: Thực trạng, cơ hội và thách thức, xu thế phát triển ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của ngành Dầu khí Việt Nam.
Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn của Viện Dầu khí Việt Nam: Nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí trong bối cảnh giá dầu thấp; Đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp tăng cường thu hồi dầu (IOR/EOR) tại Việt Nam; xử lý và chế biến sâu khí có hàm lượng CO2 cao; và quản trị rủi ro trong môi trường dầu khí có nhiều biến động.
Từ đó, Hội nghị tìm kiếm và đề xuất các giải pháp cụ thể về nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ mới, nâng cao hiệu quả quản trị và quản lý cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Nội dung chính của Hội nghị:
Phiên toàn thể: Khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên dầu khí, hướng tới sự phát triển bền vững
Các bài trình bày của chuyên gia quốc tế đã tập trung phân tích các thách thức đối với lĩnh vực dầu khí đặc biệt là khâu thượng nguồn, dự báo xu hướng giá năng lượng đến năm 2040. Từ đó đề xuất các giải pháp liên quan đến công tác tái cơ cấu, tối ưu hóa danh mục đầu tư, xây dựng chiến lược cho toàn bể trầm tích, ứng dụng công nghệ mới… để giúp các công ty dầu khí tiết giảm chi phí và có thể cạnh tranh tốt hơn trong môi trường giá dầu thấp.
Trên cơ sở đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình bày định hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để thực hiện thành công Chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Viện Dầu khí Việt Nam trình bày các định hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong thời gian tới.
Phân ban tìm kiếm thăm dò dầu khí: Nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí trong bối cảnh giá dầu thấp
Các bài trình bày trong phân ban “Nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí trong bối cảnh giá dầu thấp” đã tổng hợp các số liệu, phân tích cơ hội và định hướng tìm kiếm, thăm dò dầu khí trong giai đoạn sắp tới cũng như thể hiện các kết quả nghiên cứu cơ bản, chuyên sâu về địa chất, địa vật lý, địa hóa... cũng như ứng dụng các công nghê mới phục vụ và nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí.
Ngoài các dạng đá chứa phổ biến, các nghiên cứu cũng đã tập trung vào đặc trưng các dạng đá chứa phi truyền thống như đá chứa carbonate bị biến đổi mạnh, đá cát kết chặt sít, đá móng hang hốc nứt nẻ cũng như các kỹ thuật nhận dạng, xác định sự phân bố và chất lượng đá chứa, đặc biệt là ở các khu vực phức tạp (nước sâu, xa bờ), các mỏ dầu khí nhỏ/mỏ cận biên, các mỏ khí gồm các vỉa khí nhỏ, đa tầng…
Các bài trình bày cũng cho thấy kết quả ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến đã góp phần đáng kể làm tăng hiệu quả công tác tìm kiếm thăm dò và thẩm lượng các khu vực.
Phân ban khai thác dầu khí: Đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp tăng cường thu hồi dầu (IOR/EOR) tại Việt Nam
Sản lượng khai thác của Việt Nam trong thời gian qua giảm mạnh do các mỏ dầu khí chủ lực đã đưa vào khai thác trong thời gian dài, độ ngập nước ở một số giếng khai thác tăng cao, có hiện tượng tạo muối và paraffin trong lòng giếng… làm giảm khả năng khai thác của giếng. Để duy trì sản lượng khai thác, các chuyên gia trong và ngoài nước tham dự Phân ban “Đẩy mạnh ứng dụng IOR/EOR tại Việt Nam” đã tập trung thảo luận các giải pháp công nghệ mới trên thế giới nhằm nâng cao hệ số thu hồi dầu cho các mỏ tại Việt Nam.
Phân ban chế biến dầu khí: Xử lý và chế biến sâu khí có hàm lượng CO2 cao tại Việt Nam
Nguồn khí Việt Nam tập trung chủ yếu tại các mỏ khí của các bể Sông Hồng, bể Cửu Long, bể Nam Côn Sơn và bể Malay - Thổ Chu. Tuy nhiên, một số mỏ khí này có chất lượng thấp do hàm lượng CO2 khá cao (lên đến trên 30%). Các nghiên cứu ban đầu của Viện Dầu khí Việt Nam cho thấy tổng trữ lượng có thể thu hồi của khí thiên nhiên có hàm lượng CO2 cao ở Việt Nam khoảng 200 tỷ m3 (khoảng 7TCF).
Để sử dụng hiệu quả nguồn khí thiên nhiên giàu CO2, các nhà khoa học trong nước và thế giới đang nghiên cứu các giải pháp công nghệ để xử lý khí, đặc biệt là chuyển hóa CO2 thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giảm thiểu việc thải CO2 trực tiếp ra môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính và nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững nguồn tài nguyên khí tự nhiên. Phân ban “Xử lý và chế biến sâu khí có hàm lượng CO2 cao tại Việt Nam” tập trung thảo luận các vấn đề về khoa học, công nghệ liên quan đến lĩnh vực xử lý, chế biến khí tự nhiên giàu CO2.
Các diễn giả trình bày là các chuyên gia đến từ các nhà cung cấp công nghệ, viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về lĩnh vực xử lý, chế biến khí giàu CO2 và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Các bài trình bày cung cấp thông tin mới nhất về các giải pháp công nghệ, các định hướng nghiên cứu phát triển mới nhất hiện nay, qua đó sẽ giúp cho các nhà khoa học, nhà quản lý của Viện Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trao đổi, thảo luận để xác định các hướng đi phù hợp, khả thi cho việc sử dụng hiệu quả nguồn khí tự nhiên giàu CO2 tại Việt Nam trong thời gian tới.
Phân ban kinh tế quản lý: Quản lý rủi ro trong môi trường dầu khí có nhiều biến động
Quản trị rủi ro là một thành tố quan trọng trong hệ thống quản trị doanh nghiệp tiên tiến. Để có hệ thống quản trị tốt, quản trị rủi ro cần phải thực hiện theo chuẩn mực quốc tế, gắn với các mục tiêu của chiến lược kinh doanh, bảo đảm ngăn ngừa, hoặc điều chỉnh kịp thời hoạt động khi rủi ro ảnh hưởng tiêu cực và kịp thời nắm bắt cơ hội nếu rủi ro có thể ảnh hưởng tích cực đến kết quả sản xuất kinh doanh.
Môi trường dầu khí hiện nay có nhiều biến động: Giá cả, cung cầu, công nghệ, địa chính trị và nhiều yếu tố khác. Vì vậy, quản trị rủi ro đối với doanh nghiệp dầu khí càng có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Tại Hội nghị Khoa học VPI 2018, Phân ban “Quản trị rủi ro trong môi trường dầu khí có nhiều biến động” đã tập trung trao đổi, thảo luận việc nhận diện các rủi ro hiện nay, xu hướng phát triển cũng như những rủi ro tiềm ẩn trong tương lai đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đồng thời đề xuất các giải pháp phòng tránh, giảm thiểu tác động tiêu cực của các rủi ro.
Hội nghị cũng thảo luận luận các mô hình, phương pháp tiếp cận, công nghệ tiên tiến trong quản trị rủi ro trên thế giới. Cùng với việc xem xét thực trạng quản trị rủi ro hiện nay của Việt Nam đang ở mức độ nào, khoảng cách với các nước trong khu vực và trên thế giới ra sao, Hội nghị trao đổi, thảo luận và đề ra các bước đi để xây dựng một hệ thống quản trị rủi ro tiên tiến tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đề ra các hướng nghiên cứu, tư vấn cơ bản của Viện Dầu khí Việt Nam trong lĩnh vực này, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu chiến lược đã đặt ra.
Cách đây 40 năm, ngày 22/5/1978, Viện Dầu khí Việt Nam được thành lập trên cơ sở Đoàn nghiên cứu Địa chất Dầu khí chuyên đề 36B thuộc Tổng cục Địa chất Việt Nam. Sự kiện này đã chứng tỏ tầm nhìn xa, nhận thức đúng và kịp thời của thế hệ lãnh đạo Ngành đầu tiên đã xác định khoa học công nghệ phải đi trước một bước và Ngành Dầu khí Việt Nam muốn phát triển thì phải có một nền khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Với việc chủ động hội nhập quốc tế một cách sâu rộng và có hiệu quả, Viện Dầu khí Việt Nam sau 40 năm phát triển đã khẳng định được vị thế, trở thành một tổ chức khoa học - công nghệ hàng đầu của công nghiệp dầu khí Việt Nam, với một số lĩnh vực ngang tầm khu vực. Viện Dầu khí Việt Nam đã tư vấn cho Chính phủ xây dựng chiến lược phát triển và quy hoạch tổng thể cho ngành Dầu khí Việt Nam, phản biện/thẩm định hàng trăm báo cáo trữ lượng, báo cáo kế hoạch phát triển mỏ đại cương, báo cáo kế hoạch phát triển mỏ tổng thể và báo cáo nghiên cứu khả thi, cung cấp dịch vụ khoa học và công nghệ cho toàn bộ chuỗi giá trị dầu khí, triển khai thực hiện các dự án nghiên cứu và phát triển….
TS. Nguyễn Anh Đức - Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho biết: Peter F. Drucker, cha đẻ của quản lý hiện đại đã từng nói “Cách tốt nhất để dự đoán tương lai là tạo ra nó”. Trong 40 năm qua, Viện Dầu khí Việt Nam đã và đang hỗ trợ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và ngành Dầu khí Việt Nam tạo ra một tương lai đảm bảo năng lực cạnh tranh cao và bền vững bằng cách tối đa hóa hiệu quả sử dụng tài sản và nghiên cứu để tạo ra những đột phá lớn. Tối đa hóa hiệu quả sử dụng tài sản bao gồm đánh giá đầy đủ tiềm năng dầu khí trong toàn bộ thềm lục địa và lãnh thổ, duy trì hoạt động an toàn, ổn định với rủi ro trong tầm kiểm soát, tối ưu chi phí vận hành và tăng cường/nâng cao thu hồi dầu.
Trong khi đó các đột phá về khoa học công nghệ đã và đang đạt được gồm có tìm thấy và khai thác dầu trong đá móng nứt nẻ, nghiên cứu năng lượng thay thế bao gồm nhiên liệu sinh học và khí hydrate, lập và triển khai các dự án quy mô lớn và có vai trò thay đổi ngành Dầu khí và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là áp dụng công nghệ số.
Cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất đã thay thế cơ bắp con người bằng động cơ hơi nước còn cuộc cách mạng thứ tư đang thay thế bộ não con người bằng trí tuệ nhân tạo. Việc áp dụng công nghệ số chắc chắn sẽ giúp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có năng lực cạnh tranh bền vững trong tương lai.
Với cơ sở dữ liệu lớn về toàn bộ các hoạt động dầu khí tại Việt Nam, nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết, có kỹ năng tốt và cơ sở hạ tầng hiện đại, Viện Dầu khí Việt Nam sẽ giúp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện thành công việc chuyển đổi áp dụng công nghệ số thông qua xây dựng quy trình ra quyết định dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu và thiết lập hệ thống thu thập và xử lý số lượng lớn dữ liệu trong thời gian thực.
Thông qua sự hợp tác chặt chẽ với các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, Viện Dầu khí Việt Nam đã, đang và sẽ tích cực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ theo 4 định hướng: Thăm dò dầu khí hiệu quả trong bối cảnh giá dầu thấp; Đẩy mạnh ứng dụng tăng cường thu hồi dầu (IOR/EOR) tại Việt Nam; Xử lý và chế biến khí giàu CO2 ở Việt Nam; Quản lý rủi ro trong bối cảnh ngành dầu khí nhiều biến động.
Những định hướng nghiên cứu và phát triển dài hạn này chắc chắn sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mà còn cho ngành Dầu khí trong việc tối đa hóa giá trị của nguồn tài nguyên dầu khí Việt Nam.
Bình luận