• Zalo

Hối lộ bằng tình dục: Ban Nội chính có nhận được tố cáo?

Thời sựThứ Năm, 30/10/2014 12:01:00 +07:00Google News

(VTC News) – Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh thông tin thêm về tình trạng ‘hối lộ bằng tình dục’ tại Việt Nam.

(VTC News) – Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh thông tin thêm về tình trạng ‘hối lộ bằng tình dục’ tại Việt Nam.

Trả lời báo chí bên lề hành lang Quốc hội sáng nay (30/10), Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương khẳng định: Chuyện hối lộ bằng tình dục ở Việt Nam cũng có, đã được phản ánh nhiều qua văn học, báo chí.

Tuy nhiên, do đây là lĩnh vực nhạy cảm nên đến thời điểm này, Ban Nội chính Trung ương chưa nhận được tố cáo nào liên quan đến chuyện này.

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh
-Trong hội thảo mới đây, lần đầu tiên việc ‘hối lộ bằng tình dục” được ông nhắc đến khiến dư luận khá bất ngờ. Ông có thể nói rõ thêm về vấn đề này?


Thực ta, trước nay ta vẫn quan niệm, tài sản đưa hối lộ là tài sản vật chất thôi. Bây giờ các khuyến cáo của các chuyên gia Quốc tế cho rằng cần phải được mở rộng thêm quan niệm về tài sản hối lộ, không chỉ là tài sản vật chất mà bao gồm cả lợi ích về tinh thần.

Ví dụ liên quan cả đến việc thi đua, phong tường, khen thưởng… cũng là hình thức hối lộ. Ngoài ra, các chuyên gia còn đề cập đến cả việc cung cấp dịch vụ tình dục, cũng là hối lộ. Đây cũng là hướng để ta nghiên cứu mở rộng thêm khái niệm về tài sản hối lộ.

- Ban Nội chính Trung ương đã đã nhận được những phản ánh, những báo cáo thực tế nào về hiện tượng hối lộ này, thưa ông?


Chưa, chủ yếu là qua báo chí phản ánh thôi. Đây cũng là một lĩnh vực rất nhạy cảm cho nên thông thường khi thực hiện những việc đó người ta cũng không muốn đề cập đến và những người được hưởng dịch vụ đó thì đương nhiên người ta không tiết lộ rồi.

Nhưng văn học và báo chí thì đã phản ánh rồi, được coi là khá tin cậy.

- Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng thì sắp tới mình sẽ có những khuyến cáo như thế nào?

Đây cũng là nội dung mà vừa rồi trong trong cuộc hội thảo về “Hoàn thiện các quy định về tội hối lộ trong Bộ luật hình sự năm 1999”, các chuyên gia, trong đó có chuyên gia của Anh cũng khuyến cáo rồi. 

Các khuyến cáo của chuyên gia này cũng nằm trong khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc. Cái này cũng nằm trong phạm trù của luật pháp quốc tế về phòng chống tham nhũng mà ta đã tham gia.


 

Đây là một lĩnh vực rất nhạy cảm nên thông thường khi thực hiện những việc đó người ta cũng không muốn đề cập đến và những người được hưởng dịch vụ đó thì đương nhiên người ta không tiết lộ rồi.

Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng Ban Nội chính TW
 
- Nhưng quan điểm của ông là mình sẽ đưa vào nội dung phòng chống tham nhũng?


Thì đây cũng là nội dung mình cũng đưa ra để nghiên cứu, ta đang trong quá trình hoàn thiện bộ luật hình sự, trong đó có liên quan đến vấn đề tội tham nhũng.

Hôm qua hội thảo thì mới chỉ đề cập nhóm tội hối lộ thôi. Những khuyến cáo của các chuyên gia trong hội thảo thì cũng nằm trong khuyến cáo của LHQ, nằm trong công ước phòng chống tham nhũng mà ta đã tham gia.

Tất nhiên không phải cái gì công ước LHQ có mình cũng phải có, nhưng những cái mình tham gia công ước thì cũng có những cái ràng buộc với các nước thành viên. Với những điều mà thế giới mà họ dã trải qua, đã có kinh nghiệm thì mình cũng phải lựa chọn những hạt nhân hợp lý, những vấn đề hợp lý để nghiên cứu.

Trong hội thảo các chuyên gia cũng nói, dịp sửa đổi Luật hình sự này cũng là cơ hội để chúng ta hoàn thiện được hệ thống pháp luật Việt Nam tiệm cận được với Luật pháp quốc tế.

- Thưa ông, mình có nghiên cứu trách nhiệm hình sự đối với người đưa hối lộ tình dục không?


Hôm qua thì có đề cập đến vấn đề đó. Có ý kiến đại biểu cũng phát biểu là đối với người đưa hối lộ thì có thể phải quy định trong một số trường hợp có thể sẽ không được coi là tội phạm.

Nhưng trên quan điểm của các chuyên gia cũng như cá nhân tôi thì thấy là giữa mặt quy định về luật pháp với chính sách xử lý là 2 cái khác nhau của vấn đề xây dựng pháp luật. Khi mà người ta đưa hối lộ và nhận hối xong thì thì đương nhiên việc nhận hối lộ đã hoàn thành. Vậy bước xử lý là bước sau.

Không phải vì việc xử lý mà ta coi hành vi đưa hối lộ là không phạm tội. Nhưng quan điểm xử lý đối với những người chủ động đến với các cơ quan tư pháp, cùng cấp thông tin, chủ động khai báo, chủ động giúp các cơ quan điều tra đẻ đưa việc phạm tội ra pháp luật để xử lý thì mình sẽ có các biện pháp để xem xét với họ, thậm chí có thể tham miễn toàn bộ tội hình sự.

Tuy nhiên, tôi nhắc lại, chúng ta không vì thế mà xóa nhòa ranh giới giữa hành vi vi phạm pháp luật với xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

Hoàng Lan
Bình luận
vtcnews.vn