Cuộc họp được tổ chức theo đề nghị của Burkina Faso, quốc gia thay mặt các nước châu Phi gửi thư tới Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) hồi tuần trước, nhằm thảo luận về "tình trạng phân biệt chủng tộc có hệ thống, sự tàn bạo của cảnh sát và bạo lực nhằm vào người biểu tình ôn hòa" tại Mỹ.
"Cái chết của Georgy Floyd đáng tiếc không phải sự việc đơn lẻ. Số vụ người gốc Phi không vũ trang chịu chung số phận vì bạo lực của cảnh sát là quá nhiều", bức thư có đoạn viết. Phái đoàn Burkina Faso cho rằng sự giận dữ của cộng đồng quốc tế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thảo luận về các vấn đề tại nước Mỹ hiện nay.
UNHRC hiện có 47 thành viên, Mỹ rút khỏi tổ chức này hồi năm 2018 với cáo buộc thiên vị chống lại Israel. UNHRC có thể ra nghị quyết bình luận về tình hình nhân quyền ở các nước, nhưng không có quyền áp đặt trừng phạt nhằm vào bất kỳ quốc gia nào.
Biểu tình vẫn diễn ra khắp nước Mỹ và nhiều quốc gia sau cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu 46 tuổi bị cảnh sát ghì chết ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota hôm 25/5.
Hầu hết các cuộc biểu tình tại Mỹ mang tính ôn hòa nhằm phản đối bạo lực của cảnh sát và đòi bình đẳng cho người da màu, nhưng một số kẻ quá khích lợi dụng dịp này để biến biểu tình ở New York và vài thành phố khác thành những cuộc cướp bóc, bạo loạn.
Cảnh sát thành phố Atlanta hôm 12/6 bắn chết thanh niên da màu Rayshard Brooks sau khi người này không vượt qua được bài kiểm tra nồng độ cồn và chống trả hai sĩ quan. Cái chết của Brooks đã châm ngòi tình trạng bạo lực tại Atlanta khi người biểu tình chặn đường cao tốc, đốt cửa hàng đồ ăn nhanh nơi anh chết và đập phá những tòa nhà gần đó.
Video: Lý do Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
Bình luận