• Zalo

Hội Dầu khí Việt Nam tổ chức Tọa đàm về dự thảo Luật Điện lực sửa đổi

Tin tức 24h quaThứ Tư, 16/10/2024 15:45:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Hội Dầu khí Việt Nam tổ chức tọa đàm về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), với nhiều tham luận, ý kiến đóng góp của các chuyên gia năng lượng, chuyên gia kinh tế.

Ngày 16/10, tại Hà Nội, Hội Dầu khí Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Luật Điện lực sửa đổi: Các khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy và bổ sung theo tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW, Kết luật 76/KL-TW”.

Tham dự Tọa đàm có gần 50 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ: Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Hội Dầu khí Việt Nam, Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ, cùng các chuyên gia kinh tế, chuyên gia năng lượng.

TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam; PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; ông Phan Tử Giang, Phó Tổng giám đốc Petrovietnam chủ trì buổi Tọa đàm.

TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Luật Điện lực năm 2004 xây dựng được khuôn khổ pháp lý cho hoạt động điện lực và sử dụng điện. Tuy nhiên, đến nay, sau gần 20 năm áp dụng, Luật Điện lực 2004 có nhiều điểm không theo kịp sự thay đổi của thực tế, cần thiết phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung, kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động điện lực và sử dụng điện.

Ngày 21/10 tới đây, Quốc hội khóa XV khai mạc Kỳ họp thứ 8. Tại kỳ họp lần này, Quốc hội dự kiến sẽ cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó có dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, TS Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, việc thể chế hóa đầy đủ các nội dung của Nghị quyết 55-NQ/TW, Kết luận 76-KL/TW và các chủ trương, chính sách của Đảng vào Luật Điện lực sẽ khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện lực tại Việt Nam; tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; thúc đẩy đầu tư ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. 

Do đó, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập cho rằng, với các hội nghề nghiệp, cơ quan, Tập đoàn, doanh nghiệp năng lượng, đây là giai đoạn quan trọng để cùng trao đổi các luận cứ, các đánh giá cả về pháp lý và thực tiễn và cùng rà soát để đưa ra các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Điện lực, mà trong đó các cơ chế chính sách đang cần được gấp rút xây dựng và trình Quốc hội ban hành. Đây cũng là thời điểm phù hợp để nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách liên quan đến phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế đất nước.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm.

Nội dung của buổi Tọa đàm tập trung vào các nội dung:

Thứ nhất, tham luận của Hội Dầu khí Việt Nam về tính cấp thiết và các khoảng trống pháp lý trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) và các bộ luật liên quan. 

Thứ hai, tham luận minh họa của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên đã, đang triển khai các dự án điện khí, kho cảng, điện khí LNG và điện gió ngoài khơi như PV GAS, PV Power, PTSC...

Thứ ba là các tham luận của chuyên gia năng lượng, chuyên gia kinh tế... tham dự Tọa đàm. 

Sau khi lắng nghe các tham luận, các đại biểu cùng trao đổi và đưa ra những kiến nghị, đề xuất cơ chế chính sách về nhiều vấn đề như: điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo, điện khí, kho cảng và điện khí LNG... Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất các cơ chế chính sách liên quan đến phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế đất nước.

Các kiến nghị, đề xuất tại Tọa đàm là căn cứ để Hội Dầu khí Việt Nam tổng hợp, tiếp tục có văn bản đóng góp, đề xuất ý kiến tới cơ quan soạn thảo, Chính phủ, Thủ tướng, các Ủy ban của Quốc hội và Thường trực Quốc hội góp phần rà soát vướng mắc về pháp lý và hoàn thiện Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ đời sống Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. 

Hải An
Bình luận
vtcnews.vn