Bệnh nhân là ông Mai Xuân Hữu (54 tuổi, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị). Ông Hữu được gia đình đưa vào nhập viện trong tình trạng sưng bành vùng cổ kèm sốt rét run.
Theo thông tin gia đình cho biết, cách đây khoảng 10 ngày, ông Hữu bị hóc xương cá khi ăn trưa, lúc nuốt cảm thấy đau nhưng sau lại không đau khi nuốt nữa.
Cho tới 5 ngày sau, vùng cổ của ông Hữu bắt đầu có dấu hiệu sưng tấy, có cảm giác đau khi nuốt trở lại và sốt cao, không ăn uống được. Đến lúc này, ông Hữu được gia đình đưa vào BVĐK tỉnh Quảng Trị để cấp cứu, điều trị.
Tại đây, ông Hữu được chỉ định nội soi, siêu âm, chụp CT 160 lát cắt và phát hiên dị vật nghi là mẩu xương cá, dài 1,5cm nằm sát ngực và khối áp-xe có kích thước rất lớn ngoài thực quản, phía sau tuyến giáp trước.
Tiên lượng khối áp-xe này có nguy cơ vỡ và đe dọa tính mạng của bệnh nhân, các bác sĩ BVĐK tỉnh Quảng Trị ngay lập tức chuẩn bị phương án chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị nhưng không được gia đình và bệnh nhân chấp thuận.
Cũng ngay sau đó, các bác sĩ BVĐK tỉnh Quảng Trị có cuộc hội chẩn với các chuyên khoa Tai-mũi-họng, khoa Ung buớu và khoa Chẩn đoán hình ảnh để thống nhất phẫu thuật cạnh cổ, dẫn lưu áp-xe và lấy dị vật.
2 ngày sau nhập viện, ngày 13/1, bệnh nhân được phẫu thuật thành công mở khoang cạnh cổ bên trái, cắt động mạch giáp giữa, hút 50 ml dịch mủ… và thực hiện loại bỏ mẩu xương cá sắc nhọn dài hơn 1,5 cm khỏi cổ họng, đồng thời dẫn lưu áp xe bởi các bác sỹ khoa Ung bướu và khoa Tai-mũi-họng.
Video: Cảnh báo viên nước giặt giống kẹo nguy hiểm cho trẻ nhỏ
Hiện, sức sức khỏe của bệnh nhân ổn định và được làm thủ tục ra viện vào ngày 30/1/2018 vừa qua.
Để đề phòng và hạn chế hóc dị vật thực quản, BSCKII.Đinh Viết Thanh, Trưởng khoa Tai-mũi-họng, BVĐK tỉnh Quảng Trị khuyến cáo, hóc dị vật thực quản thực sự là một ca cấp cứu rất nguy hiểm với tính mạng của người bệnh, thậm chí có tỷ lệ tử vong cao nên cần được khám và điều trị kịp thời.
"Đặc biệt, mọi người nên chú ý cẩn thận khi ăn các thức ăn được chế biến từ cá", BS. Thanh cho biết.
Bình luận