Tại hội thảo Xu hướng giáo dục trên thế giới và Việt Nam hôm qua, TS Phạm Sỹ Nam, giảng viên ĐH Sài Gòn, thành viên Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới môn Toán, đưa ra những góc nhìn và thông tin quanh việc xác suất thống kê được đưa vào chương trình Toán từ lớp 2.
Theo TS Nam, chủ trương của ban soạn thảo chương trình khi đưa môn xác suất thông kê vào chương trình lớp 2 nhằm tăng tính thiết thực, hiện đại của việc học Toán.
Nếu chương trình hiện hành chỉ dạy môn xác suất từ lớp 11, còn thống kê được dạy rải rác ở một số lớp, thì trong chương trình mới, từ lớp 2, học sinh được tìm hiểu những khái niệm căn bản nhất của xác suất. Nhiều người lầm tưởng học sinh lớp 2 phải học những kiến thức của lớp 11 nên sẽ rất khó.
"Học xác suất thống kê từ lớp 2 không có nghĩa là lôi kiến thức ở các lớp trên xuống. Các em lớp 2 được học những khái niệm cơ bản của xác suất, chẳng hạn chắc chắn hay không chắc chắn. Trời đang mưa, con đi ra ngoài thì chắc chắn con sẽ bị ướt. Bé được học những kiến thức, khái niệm cơ bản", TS Nam nói.
Ngoài ra, Ban soạn thảo còn chú trọng sự tinh giản, thống nhất, phát triển liên tục và thiết thực của chương trình môn Toán.
Trong chương trình hiện nay, nhiều phần kiến thức, giáo viên khai thác sâu bằng cách tăng nặng độ khó của bài tập, chú trọng tính mẹo mực. Đây là yếu tố làm cho chương trình khó. Hơn nữa, những kiến thức của môn Toán phải được ứng dụng.
Do đó, môn Toán trong chương trình mới sẽ bỏ đi phần số phức ở lớp 12 của chương trình hiện hành. Những phần kiến thức lâu nay được giáo viên tăng nặng cũng được bỏ đi. Ví dụ, phần phương trình lượng giác chỉ còn phần kiến thức cơ bản, không còn phần phương trình đối xứng.
Ngoài ra, TS Nam cũng chỉ ra nhiều điểm hạn chế của chương trình Toán hiện hành như chỉ chú trọng truyền đạt kiến thức, cố gắng thiết kế chặt chẽ về mặt toán học nhưng thiếu chú trọng hình trực quan, phân bổ chương trình không hợp lý, tổ chức dạy học chưa tốt.
Học sinh thường được yêu cầu làm bài tập tổng hợp, trong khi từng đơn vị kiến thức chưa nắm vững, chưa coi trọng việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong thực tiễn.
"Để dạy cho trẻ phép tính 2+3=5 không hề đơn giản. Bởi vì, với người lớn, đó là sự đơn giản, nhưng với Toán học thì đó là cái trừu tượng. Chúng ta phải có tiến trình. Chẳng hạn, con giơ hai ngón tay, rồi con giơ thêm (chứ không phải cộng thêm) ba ngón tay nữa, con đếm bây giờ có bao nhiêu ngón tay.
Muốn học phải có quá trình trải nghiệm. Từ 'thêm' đó là ngôn ngữ thông thường của trẻ, từ đó chúng mới dần hiểu được thuật ngữ khoa học là cộng", TS Nam nêu ví dụ.
Bình luận