Học sinh có kinh nguyệt đã lâu nhưng không sử dụng băng vệ sinh, có em lại ngây ngô tưởng mình bị… ói. Cùng với dấu hiệu dậy thì, tâm lý của các em cũng phức tạp. Việc học sinh tiểu học dậy thì rất cần sự “bắt nhịp” kịp thời của người lớn.
Cười ra nước mắt chuyện HS tiểu học dậy thìHS tiểu học giờ đã phải đối mặt với nhiều nguy cơ khi tuổi dậy thì đang đến sớm hơn. Ảnh minh họa
Nghe học trò trong lớp xì xầm về một bạn nữ lâu lâu lại chỉ ngồi yên một chỗ trong lớp nhiều ngày liền, không ra ngoài vui chơi, giáo viên (GV) lớp 4 tại một trường tiểu học ở Q. Tân Phú (TPHCM) hỏi han tìm hiểu thì học trò này òa khóc nức nở, nói rằng mình đã có kinh nguyệt… lần thứ ba.
Cô học trò kể rằng, em biết đó là kinh nguyệt nên xấu hổ không dám nói với ai, cũng không dám đi mua băng vệ sinh nên… lâu nay cứ để vậy. Đến tháng, em dùng giấy để lót dưới ghế rồi ngồi yên một chỗ. Khi ra về để che mắt mọi người, em tháo áo khoác cột ngang eo che lại. Về nhà em cũng thực hiện cách tương tự để giấu bố mẹ.
“Khi tôi trao đổi với mẹ em, chị vẫn không tin. Cháu từng hỏi mẹ về chuyện băng vệ sinh nhưng chị gạt đi, nói rằng phải đến lớp 7, lớp 8 con mới cần đến nó. Có lẽ vì thế mà cháu giấu luôn cả mẹ”, GV này nói.
Trường hợp khác tại trường tiểu học ở Q.3, một HS có kinh nguyệt, lên tìm cô giáo khóc nói rằng mình ăn phải đồ ăn gì đó nên ói… ra máu. GV đã phải đi mua băng vệ sinh cho em và giải thích cho em hiểu về hiện tượng “đèn đỏ”.
Hiện nay nhiều trường tiểu học vẫn còn rất bị động trước việc học trò dậy thì bởi suy nghĩ lên cấp 2 các em mới bước vào tuổi dậy thì. Ở nhiều trường bán trú, các em đã có những thay đổi về thể chất về tâm lý nhưng nam nữ vẫn ngủ chung, việc thay đồng phục có khi vẫn diễn ra ngay ở lớp…
Biểu hiện của tuổi dậy thì như biết ngượng ngùng, có tình cảm đặc biệt với bạn khác giới, nam nữ chọc ghẹo nhau… cũng làm thầy cô và cả phụ huynh đều bối rối. Nhiều GV thú nhận, do không nắm bắt được tâm lý của các em nên thầy cô cũng có những hành xử không đúng như quát mắng, chê bai, cấm cản...
Cần giáo dục giới tính từ sớm
Việc tổ chức các buổi tư vấn về sức khỏe giới tính, sức khỏe sinh sản ngoại khóa ở trường học hiện nay phần lớn chỉ bắt đầu được thực hiện ở cấp 2, cấp 3 còn ở tiểu học gần như bỏ trống. Chính GV tiểu học cũng ít được tham gia những buổi tập huấn về kiến thức giới tính nên họ rơi vào tình cảnh lúng túng khi học trò nhỏ của mình bất ngờ “thành người lớn”.
Một GV trường tiểu học Trần Văn Ơn (Gò Vấp) kể từng bắt gặp bạn nữ lớp 4 viết giấy trao đổi tình cảm với anh chàng lớp 5. Các em bày tỏ những lời yêu thương, nhớ nhung như thật và còn hẹn hết giờ học ở lại gặp nhau. Thậm chí bạn gái này còn “hận” một bạn khác vì cũng dám tán tỉnh người yêu của mình.
“HS bây giờ lớn rất nhanh, trong khi hầu hết GV đều nghĩ, trẻ còn nhỏ, mình dạy các em chơi và học sao cho tốt là được. Theo tôi, GV tiểu học cũng cần được tập huấn, trang bị thêm kiến thức về giới tính để trong những tình huống như vậy, mình còn biết cách xử lý”, GV này bày tỏ.
Theo bác sĩ Đặng Phi Yến (chuyên viên Sở Y tế TPHCM), độ tuổi trung bình trẻ chính thức dậy thì là 13 - 15 tuổi ở nữ và 15 - 18 tuổi ở nam. Trước khi dậy thì chính thức, các em trải qua 2 năm tiền dậy thì. Tuy nhiên, độ tuổi dậy thì đang có xu hướng ngày càng sớm vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do độ dinh dưỡng và tác động dồn dập của công nghệ thông tin vào não làm tiết ra nội tiết sinh dục sớm ở trẻ nhỏ.
Giáo viên, phụ huynh cần nắm được các dấu hiệu từ giai đoạn tiền dậy thì (ở bé gái có ngực, có mụn, có mùi cơ thể) để giúp các em kịp thời “đối mặt” khi bước vào dậy thì chính thức. Đặc biệt khi dậy thì các em sẽ có những thay đổi mạnh về tâm sinh lý, các em sẽ quan tâm và có cảm giác lạ với người khác phái và thường có những mối quan hệ yêu đương suy diễn, nông cạn... Nguy hiểm nhất lúc này các em có thể có quan hệ tình dục không an toàn và hoàn toàn có khả năng mang thai.
BS Yến đánh giá, hiện nay ở trường học việc giáo dục kiến thức giới tính chưa đáp ứng kịp độ tuổi cũng như nhu cầu thực tế của các em. Việc giáo dục kiến thức sức khỏe giới tính, sức khỏe sinh sản ở trường học hiện nay còn nặng về kiến thức mà quên việc trang bị cho các em kỹ năng cần thiết để bảo vệ mình nên dù biết nhiều nhưng các em vẫn gánh hậu quả tiếc.
Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ (Công ty tư vấn Tâm lý Trẻ) cho hay trẻ dậy thì có hàng loạt thay đổi về tâm lý, nhận thức xã hội rất phức tạp dẫn đến nhiều thay đổi trong suy nghĩ, hành xử trước các nghi lễ, phép tắc. Các em sẽ có những mối quan tâm, lo lắng rất bất thường và độ tuổi này cũng dễ có những hành vi nguy hiểm.
Và muốn giúp các em vượt qua được giai đoạn chuyển giao khó khăn này thì phụ huynh, GV phải nắm bắt được tâm lý để đưa ra cách thức ứng xử cũng như phương pháp giáo dục phù hợp.
Theo Dân trí
Bình luận