(VTC News) - "Thầy hiệu trưởng ơi, xin cho tôi được nghỉ ngày 20/11 hàng năm! Chính phủ ơi, hãy xóa ngày 20/11 đi vì nó không còn thiêng liêng nữa, bị biến hóa lắm rồi! Học trò ơi, đừng tốn tiền cho việc này nữa, cô rất khổ, bây giờ lương giáo viên cô sống đủ rồi!" Những tâm sự "cười ra nước mắt của một người đứng trên bục giảng trước quan niệm của xã hội về "luật phong bì" trong ngành sư phạm.
Nói tôi sợ thì hơi nặng nề, chứ kỳ thực thì hơn cả sợ. Tôi là một giáo viên THCS, dạy Toán tại một trường điểm của huyện, cũng là GV dạy giỏi và dạy lớp cuối cấp, bồi dưỡng học sinh giỏi và nhiều việc nữa, nói chung nếu em nào được học tôi là phụ huynh học sinh rất an tâm, nếu không được thì rất buồn và chạy đôn chạy đáo lên ban giám hiệu để xin chuyển đến lớp tôi. Nói bao nhiêu đó thì các bạn hình dung được công việc và chất lượng công việc của tôi rồi.
Tuy nhiên, tôi sợ 20/11. Hàng năm, cứ đến tháng 11 tôi bắt đầu lo dần, tôi không biết làm thế nào để cấm tặng quà, tặng hoa, tặng phong bì. Tặng gì cũng phải đi mua, rồi trả giá, rồi sao mà mắc quá, rồi thở dài.
À, mà nhà mẹ chồng tôi có bán tạp hóa nên mỗi dịp sinh nhật cô, lễ 20/11, ngày 08/03, tết nhất... tôi bán hàng và gói quà cho PHHS tặng thầy cô, tôi nghe đầy tai những điều như nhiều người đã nói.
Tôi sợ bị nhận quà của học sinh, tôi sợ phụ huynh đến nhà để tặng quà, gửi gắm. Những món quà của học trò từ bao giờ đã trở thành gánh nặng với các thầy cô? (Ảnh minh họa)
Tặng hoa: những ngày đó hoa rất đắt đỏ, thi nhau mua để tặng, mà cô nhận cả một đống hoa mang về nhà để làm gì? 2 ngày sau, hư, héo, bỏ.
Tặng quà: mua món hàng đó về rồi chưa chắc cô ưng ý để sử dụng, huống chi người khác mua tặng sao mà vừa ý? Rồi chất đống đó, tìm người để cho.
Tặng phong bì: tôi cảm thấy bị xúc phạm vì cái phong bì này. Ngày 20/11 năm đó, có một HS gửi tôi một phong bì, tôi nhận vì nghĩ đó là thiệp mời, về nhà mở ra, tá hỏa, một tờ giấy 50.000 đồng rơi ra. Tôi đau lòng, đau thắt lòng, trào nước mắt, tôi tự nhủ: "Em ơi, em nghĩ cô cần nó sao, tại sao em lại coi thường cô quá vậy!". Tôi thực sự thấy mình bị xúc phạm nghiêm trọng, đưa tiền cho tôi, trời ơi, tôi nhớ như in con bé ấy và đến bây giờ tôi cũng không quên, nhớ và buồn.
Hôm sau lên lớp, hết tiết 5 tôi gọi em ấy ở lại cô gặp với thái độ hết sức bình thường, có hai cô trò, tôi gửi lại phong bì, tiền và một lá thư, tôi yêu cầu em ấy mang về cho mẹ.
20/11 năm sau, tôi xin phép bận việc nhà, tôi về quê, đóng cửa. 20/11 năm sau nữa nhà tôi có đám cưới của em tôi, tôi được nghỉ phép và đi đưa dâu đến tối mới về.
20/11 năm sau tôi không trốn đi được, nhưng lễ xong cả hai vợ chồng về nhà đóng cử lại trốn để ổ khóa ở ngoài cho người ta tưởng là mình đi khỏi.
Bây giờ thì PHHS có "kinh nghiệm" hơn, đưa quà cho con mang đến trường luôn, lễ xong con trẻ sà lên tặng quà. Tôi kinh nghiệm hơn, lễ xong, chạy vào phòng thư viện trốn, cuối cùng nó cũng tìm được. Và năm nay tôi có một "chiêu" hết sức lợi hại: trong nhà tập thể có một cái võng, tôi lên đó nằm, giả ngủ, lũ trẻ đợi hoài không được, chán, về tặng cho thầy cô khác.
Còn rất nhiều đồng nghiệp tôi có cách "trốn" 20/11 hay hơn nữa, sao cho không phải nhận quà.
Lễ 20/11 nếu giáo viên không tham gia là bị ghi tên, bị sếp la rầy vì vắng mặt. Không lẽ mỗi năm tôi phải tìm một cách trốn mới, an toàn mà phụ huynh và học sinh không biết? Khi có mặt để dự, phần lễ xong tôi không biết trốn đi đâu. Tôi suy nghĩ đủ kiểu để trốn, mặc dù biết là hơi "ác" vì quà đã sắm rồi.
Thầy hiệu trưởng ơi, xin cho tôi được nghỉ ngày 20/11 hàng năm! Chính phủ ơi, hãy xóa ngày 20/11 đi vì nó không còn thiêng liêng nữa, bị biến hóa lắm rồi! Học trò ơi, đừng tốn tiền cho việc này nữa, cô rất khổ, bây giờ lương giáo viên cô sống đủ rồi!
Ngày 20/11 ơi, xin đừng làm khổ chúng tôi, những người giáo viên hết lòng vì học trò, xin cha mẹ học sinh đừng bày vẽ và đua đòi nửa, nếu không ai tặng quà gì hết, chúng tôi sẽ công bằng, thanh sạch và không "trốn" ngày 20/11 nữa.
Lê Dung
Hãy bày tỏ quan điểm của bạn qua ô thảo luận cuối bài, hoặc mail về [email protected] để cùng chia sẻ về một vấn đề nhức nhối và thiết thực với mỗi người trong xã hội ngày nay! Trân trọng!
Bình luận