Đây là một trong những kết quả mà nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm phân tích và dự báo, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện đưa ra.
Kết quả nghiên cứu cho thấy lứa trẻ thiên niên kỷ (sinh năm 2001, 2002) phát triển thể chất tốt hơn trẻ sinh ra vào giữa thập niên 90, do những thành tựu kinh tế của đất nước. Bên cạnh đó tình trạng trẻ chán học/bỏ học hoặc việc học thêm quá nhiều đã không mang lại lợi ích gì đáng kể trong việc nâng cao trình độ nhận thức của trẻ.
Nghiên cứu này nằm trong Chương trình Nghiên cứu quốc tế "Những cuộc đời trẻ thơ" nhằm tìm hiểu về sự thay đổi tình trạng nghèo trẻ em với mục tiêu tìm hiểu những nguyên nhân và hậu quả tình trạng nghèo của trẻ em và tác động của chính sách đối với cuộc sống của các em, đồng thời nhằm cung cấp thông tin cho quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trẻ em. Chương trình được thực hiện với 12.000 trẻ em ở 4 quốc gia đang phát triển là Ấn Độ, Ethiopia, Peru, Việt Nam trong vòng 15 năm do Bộ Phát triển Quốc tế Anh tài trợ chính. Tại Việt Nam, Chương trình bắt đầu từ năm 2002 với 3.000 trẻ em ở 34 xã trên 20 địa điểm tại các tỉnh Bến Tre, Đà Nẵng, Hưng Yên, Lào Cai và Phú Yên.
TS Lê Thúc Dục, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Dù chênh lệch giữa các nhóm trẻ vẫn còn đáng kể, song có những bước tiến giảm nghèo quan trọng đạt được ở các nhóm trẻ dân tộc thiểu số, nhóm trẻ có mẹ chưa bao giờ đi học. Ở tất cả các vùng và khu vực nghiên cứu có sự cải thiện rất đáng kể về các tiện nghi như nhà ở, đồ dùng lâu bền, điện, nước, y tế, vệ sinh. 30% số hộ cho biết việc tăng giá lương thực, thực phẩm diễn ra từ cuối năm 2007 đến cuối năm 2009 có ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của họ.
Mức độ đáp ứng về dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, bằng chứng là tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi thể hiện qua chiều cao theo tuổi và chỉ số cân nặng theo tuổi của lứa trẻ Thiên niên kỷ tốt hơn hẳn so với lứa trẻ giữa thập niên 90. Tuy nhiên, không có tiến bộ về tỷ lệ suy dinh dưỡng thiếu cân trong nhóm trẻ có mẹ chưa bao giờ đi học và tiến bộ không đáng kể với nhóm trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Đối với tiếp cận giáo dục, thành tích về nhập học vẫn tiếp tục được duy trì nhưng có 2 vấn đề đáng quan tâm là: 40% trẻ bỏ học có lý do chán học. Trong số trẻ 15 tuổi còn đang đến trường có 75% số trẻ học thêm trung bình 10 giờ/tuần. Đối với nhóm trẻ Thiên niên kỷ các con số tương ứng là 65% và 10 giờ. Chi phí cho các lớp học thêm là gánh nặng tài chính với nhiều gia đình. Trong số hộ có trẻ 15 tuổi đang đi học, gần 20% số gia đình có tỷ lệ đóng học phí học thêm chiếm đến 20% hoặc cao hơn trên tổng mức chi phí phi lương thực của hộ. N ghiên cứu một lần nữa khẳng định việc tham gia học thêm và số giờ học thêm không có tác động đáng kể đến trình độ nhận thức của trẻ.
Theo TTXVN
Bình luận