• Zalo

Học thạc sĩ trái ngành cần lưu ý gì?

Tuyển sinhThứ Năm, 21/03/2024 19:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Trong bối cảnh cơ hội việc làm cạnh tranh ngày càng gay gắt, số người chọn học thạc sĩ trái ngành cũng tăng dần.

Sau khi cầm tấm bằng cử nhân, không ít người muốn học tiếp lên thạc sĩ một chuyên ngành khác, thường gọi là học thạc sĩ trái ngành. Vậy trong trường hợp lựa chọn học thạc sĩ trái ngành người học cần lưu ý điều gì?

Học thạc sĩ trái ngành cần lưu ý điều gì? (Ảnh minh họa)

Học thạc sĩ trái ngành cần lưu ý điều gì? (Ảnh minh họa)

Lưu ý khi chọn học thạc sĩ trái ngành

Thông tư số 15 năm 2014 của Bộ GD&ĐT cho phép người học tham gia học các lớp học thạc sĩ trái ngành tại Việt Nam. Tuy nhiên, học viên cần phải đáp ứng yêu cầu về văn bằng tốt nghiệp đại học và tham gia học, thi bổ sung kiến thức liên quan đến ngành học đó.

Hiện chi phí đào tạo thạc sĩ tương đối tốn kém và đòi hỏi người học phải thực sự nghiêm túc. Nếu bạn không có quá nhiều thời gian để đầu tư cho việc học, bạn nên cân nhắc kỹ hơn về việc học trái ngành bậc thạc sĩ. 

Người học cần tìm hiểu kỹ về chương trình học như cấu trúc, khả năng tích hợp kiến thức với ngành học gốc của mình. Ví dụ, nếu muốn học thạc sĩ trái ngành Công nghệ thông tin thì ngành học trước đó của bạn nên liên quan đến lĩnh vực Công nghệ, vì nếu không có bất kỳ kiến thức nào liên quan đến IT rất khó để bạn bắt kịp tiến độ học và tốt nghiệp.

Đặc biệt, học viên cần chú ý đến thông tin đầu vào của ngành học và mức độ phù hợp của ngành học với mục tiêu nghề nghiệp cũng như cơ hội việc làm trong tương lai. Điều này sẽ giúp bạn tính toán chính xác ngành học đó có thực sự phù hợp với mục tiêu bản thân không, tránh mất thời gian và không gây xao nhãng việc học. 

Điều kiện học thạc sĩ trái ngành

Để theo học chương trình thạc sĩ trái ngành, học viên cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

  • Có bằng đại học do trường đại học tại Việt Nam cấp. Với trường hợp học viên có bằng đại học do trường nước ngoài cấp cần dịch công chứng sang tiếng Việt và nộp cùng với văn bản chứng nhận về bằng cấp từ Cục Quản lý chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  • Học và thi bổ sung các môn, học phần liên quan.
  • Có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp với chuyên ngành dự tuyển.
  • Thi đỗ kỳ thi tuyển sinh thạc sĩ, trong đó gồm 3 khối kiến thức là kiến thức cơ sở ngành, kiến thức chuyên ngành và tiếng Anh.
  • Thí sinh đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ có thể được miễn thi tiếng Anh (chứng chỉ tiếng Anh IELTS tối thiểu 6.0 hoặc tương đương).
  • Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và nộp đúng thời hạn, sức khỏe đảm bảo việc học tập. 

Trên đây là một số lưu ý dành cho những học viên có dự định học thạc sĩ trái ngành, bạn có thể tham khảo thêm để chuẩn bị cho mình kế hoạch tốt nhất.

Anh Anh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn