• Zalo

Học sinh Trung Quốc đeo 'vòng kim cô' khi tới trường

Giáo dụcThứ Tư, 09/10/2019 12:03:00 +07:00Google News

Trung Quốc đang tìm cách đưa công nghệ nhân tạo hỗ trợ việc giảng dạy trong các trường tiểu học, nhưng cách làm này nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Với các học sinh lớp 5 tại một trường tiểu học ở Thượng Hải, ngày học tập sẽ bắt đầu với việc đeo thiết bị cảm biến sóng não. Thiết bị này có 3 điện cực, 2 ở sau tai và 1 ở trước trán. Bộ phận cảm biến của nó sẽ tiếp nhận các tín hiệu được gửi đi từ các neruron não. 

Các dữ liệu sẽ gửi thẳng tới máy tính của giáo viên để họ biết được học sinh nào đang tập trung và em nào không. 

"Trong thời gian này, em ấy có một chút sao nhãng", giáo viên nói khi chỉ vào báo cáo ghi nhận độ tập trung của từng học sinh. 

Tuy nhiên, không nhất thiết phải theo dõi qua máy tính, giáo viên có thể nắm được mức độ chú ý của học sinh thông qua phần đèn hiệu gắn trên thiết bị. 

hoc sinh

Học sinh tiểu học ở Thượng Hải đeo thiết bị cảm biến sóng não trong giờ học. (Ảnh: WSJ)

"Màu đỏ nghĩa là cháu đang tập trung. Màu xanh là bị phân tâm. Màu trắng là mất tập trung", một học sinh nói về thiết bị mà em và các bạn đeo trên đầu trong cuộc phóng vấn với Wall Street Journal. 

Therodore Zanto, nhà khoa học neruron từ Đại học California San Francisco hết sức ngạc nhiên khi thiết bị này được sử dụng trong các lớp học, bởi công nghệ điện não đồ thường chỉ được trang bị trong bệnh viện hoặc các phòng thí nghiệm.

"Điện não đồ thường khá mẫn cảm nên bạn chỉ cần ngứa hay lo lắng hoặc thiết bị này không được thiết lập đúng cách, các điện cực sẽ không kết nối tốt với nhau và ảnh hưởng tới tín hiệu", ông Zanto cho biết. 

Các giáo viên thừa nhận có những thời điểm thiết bị này đọc sai thông tin và trả các thông số không chính xác, nhưng nhìn chung thiết bị giúp học sinh của họ ý thức hơn trong việc nghe giảng.

Không chỉ có giáo viên theo dõi được học sinh trên lớp, các phụ huynh cũng sẽ nắm được tình hình con cái trên lớp bởi báo cáo mức độ tập trung của từng học sinh cũng sẽ được gửi tới một nhóm chat chung của các phụ huynh. 

Một số học sinh thích thú với thiết bị này vì chúng giúp các em không dám sao nhãng vào bài giảng, kết quả học tập từ đó cũng được cải thiện. Dù vậy, rất nhiều học sinh cảm thấy phiền hà với thiết bị có bề ngoài tương tự chiếc vòng kim cô này.

"Lần đầu tiên đeo nó cháu có cảm giác như đang bị khống chế não bộ vậy", một nhóm học sinh đồng thanh nói. 

"Cháu thấy như có cái gì đó đè lên trán", một học sinh khác trả lời. 

Một học sinh chia sẻ em bị bố mẹ phạt vì điểm tập trung trên lớp quá thấp. 

"Nó như một bài kiểm tra. Các bạn trong lớp đều được 95 điểm hoặc cao hơn nhưng mình chỉ được 85 điểm", một cậu bé chia sẻ và nói em cảm thấy bị tụt lại phía sau nếu bị đánh giá mất tập trung so với bạn cùng lớp. 

Các thiết bị này được sử dụng như thí nghiệm cho chương trình giáo dục tương lai của Trung Quốc với mục tiêu lồng ghép trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy.

Tại nhiều trường mầm non, mỗi lớp học được trang bị robot để phân tích tình hình sức khỏe của học sinh. Tại các cấp lớn hơn, học sinh phải mặc "đồng phục thông minh" gắn thiết bị theo dõi GPS để đảm bảo các em không bỏ tiết và giúp phụ huynh nắm bắt được việc đi học của con em mình.

Thậm chí nhiều trường còn lắp đặt camera giám sát, thống kê số lần học sinh nghịch điện thoại hay ngáp trong giờ học. 

Nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại việc áp dụng công nghệ mà họ cho là quá đà này đang tước đi tự do của trẻ em. "Chẳng khác nào cầm tù lũ trẻ", một cư dân mạng bình luận. 

Tuy nhiên giáo viên và các phụ huynh tin rằng đây là điều cần thiết và phù hợp với thời đại công nghệ hiện nay. "Vì sự nghiên cứu và phát triển của quốc gia, tôi không nghĩ đây không phải là vấn đề lớn", một phụ huynh chia sẻ. Nhiều bậc cha mẹ khác nói không quan tâm lắm vì không hiểu về công nghệ.

Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia đi đầu thế giới trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ để giám sát. Tháng 11, một phần mềm giám sát được lắp đặt tại Bắc Kinh và Thượng Hải cho phép xác định danh tính người dân qua phong cách đi bộ của họ ngay cả khi họ quay lưng và không rõ mặt. 

Trung Quốc cũng đang thiết lập một hệ thống xếp hạng công dân, giám sát hành vi nhằm xếp hạng từng người theo điểm “tín nhiệm xã hội” để đưa ra khen thưởng và trừng phạt phù hợp.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn