Trao đổi bên lề hội thảo “NXB Giáo dục với đổi mới chương trình và SGK phổ thông”, PGS. TS Lê Anh Vinh, Chủ biên môn Toán cấp tiểu học trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho biết, học sinh lớp 2 học toán xác suất, thống kê là chính xác.
Tuy nhiên, đó là các bài học giản đơn, gần gũi cuộc sống, thậm chí có thể dạy từ cấp mầm non, nhằm giúp học sinh gắn bài học với thực tiễn.
Ông Vinh cho biết, toán xác suất, thống kê nghe thì to tát nhưng những bài toán này có nhiều trong đời sống, có thể dạy từ cấp mầm non. Ví dụ, yêu cầu các em đếm đúng số người, biết phân loại theo tính chất, hoặc quan sát cái gì thường hay xảy ra… Đó là những bài học trực quan sinh động, từ những quan sát cuộc sống để đưa ra các nhận định thống kê.
Hay kể cả lớp 1, các em học đếm, phân loại. Lớp 2, học sinh học xử lý số liệu phức tạp hơn, sau đó từ các số liệu đó có thể đưa ra các biểu đồ hoặc ngược lại. Lên lớp 3, lớp 4 có các loại biểu đồ số liệu đơn giản.
Đối với xác suất, các bài học trong SGK Toán tiểu học cũng rất đơn giản như: sự việc đó có xảy ra hay không, thường xuyên hay ít…
PGS Vinh cho rằng: “Những kiến thức này trước đây đã có trong chương trình cũ. Tuy nhiên, ở SGK Toán của chương trình mới, người ta đặt ra thành trục riêng để giáo viên dạy tập trung”.
Đồng thời, sau khi đưa nội dung xác suất, thống kê vào, các bài học khó hơn như phân số, tích phân mà SGK đang có đều được bỏ bớt. Như thế, chương trình vừa không nặng nề, quá tải mà giúp học sinh hiểu toán học gắn với thực tiễn ra sao, giúp ích cho cuộc sống như thế nào.
Bên cạnh đó, GS. Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học cũng cho rằng, Chương trình Giáo dục phổ thông mới, dễ và “hay” hơn cho giáo viên vì việc dạy học vui vẻ hơn, học sinh học tập hứng thú hơn.
Việc học toán xác suất, thống kê cũng thế, không hề to tát mà là những bài học tự nhiên trong cuộc sống.
"Ngày mai có thể mưa hay nắng, nếu mưa có thể bố mẹ không cho con đi công viên. Nhưng hôm nay nắng, có thể ngày mai chưa hẳn nắng”, GS Khoái lấy ví dụ.
Tương tự như vậy, GS Khoái cho rằng, nếu nói học sinh tiểu học phải học toán tổ hợp, nhiều người sẽ ầm ĩ lên nhưng thực tế, bài học tổ hợp rất gần gũi và đơn giản, chẳng hạn trình bày các cách sắp xếp dãy số 1234. Ở đây, sẽ có nhiều cách sắp xếp khác nhau. Đấy chính là toán tổ hợp.
“Thực tế các yếu tố tổ hợp đều có trong tất cả các bài học và tự nhiên chứ không phải đến tận cấp 3 mới học toán tổ hợp để đi thi. Cũng giống như các bài toán xác suất, thống kê trong chương trình tiểu học cũng đơn giản và tự nhiên, không phải áp dụng cao siêu như nhiều người nghĩ”, GS Khoái cho biết thêm.
Bình luận