Lỗi của người lớn
Về sự việc người mẹ ở Hải Dương không đóng quỹ phụ huynh nên con không được chuẩn bị suất ăn trong tiệc liên hoan lớp gây xôn xao dư luận những ngày qua, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, sự việc này cả giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh đều sai.
Giáo viên chủ nhiệm chưa linh hoạt trong việc tổ chức liên hoan, thống nhất với Ban phụ huynh chuẩn bị suất ăn cho 32/32 học sinh. Còn phụ huynh thì chưa tìm hiểu rõ ngọn nguồn câu chuyện đã vội nêu quan điểm lên mạng xã hội. "Rất may, mọi chuyện kịp thời lắng xuống khi nhà trường, giáo viên và phụ huynh gặp gỡ, giải thích", TS Tùng Lâm nói.
Mọi việc tưởng chừng như chỉ dừng lại ở đây, thì mạng xã hội, phụ huynh khác đang đẩy câu chuyện đi quá xa, đưa ra nhiều luồng ý kiến trái chiều. Người thì quy chụp phụ huynh ích kỷ, không quan tâm con, người lại chê giáo viên chủ nhiệm, ban phụ huynh máy móc, không suy nghĩ cho học sinh.
"Thật đáng trách người lớn khi mặc nhiên thể hiện quan điểm cá nhân mà quên đi rằng điều cần bảo vệ, yêu thương nhất là đứa trẻ", TS Tùng Lâm bày tỏ.
Mọi hoạt động tổ chức trong nhà trường đều có ý nghĩa giáo dục nhất định. Việc lớp tổ chức liên hoan tổng kết cuối năm cũng là dịp để trẻ ngồi lại, vui đùa, ăn uống sau những giờ học căng thẳng của cả năm. "Nếu là người thực sự quan tâm đến con, phụ huynh đã sát sao hơn với thông báo, hoạt động trên nhóm chat chung của lớp, thay vì im lặng, bỏ qua những tin nhắn của giáo viên chủ nhiệm, gây nên cơ sự làm xã hội tranh cãi", TS Lâm nói.
Vị chuyên gia cho rằng, người chịu thiệt nhiều nhất trẻ nhỏ, trẻ sẽ "mặc cảm vì thấy bản thân không có suất ăn riêng". Qua sự việc này, cả giáo viên, ban phụ huynh và phụ huynh học sinh phải thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc với tinh thần "tất cả vì trẻ thơ, không để em nào bị bỏ lại phía sau".
Từng được vinh danh giáo viên xuất sắc khi nuôi hơn 30 trẻ miễn phí, cô Nguyễn Thị Hạnh Nguyên, nguyên giáo viên trường Tiểu học Thạch Bình (Ninh Bình) nói giáo viên chủ nhiệm cũng cần rút kinh nghiệm trong vụ việc trên. Đành rằng, quỹ phụ huynh chỉ mua 31/32 suất gà, xúc xúc và khoai tây chiên theo đúng đóng góp và nguyện vọng, nhưng cô giáo cũng cần nhìn vào đó, kịp thời có phương án xử lý bổ sung thêm một suất ăn để các em đồng đều nhau. Số tiền đóng góp cho một suất ăn không đáng là bao, giáo viên hoàn toàn có thể trích quỹ lớp, thậm chí trích tiền túi.
Dù vậy, cô Nguyên cũng phần nào đó thông cảm với giáo viên chủ nhiệm trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm xử lý và "ngại can thiệp vào việc phụ huynh tổ chức liên hoan". Sự việc nên giải quyết nội bộ, gọn nhẹ, tất cả vì học sinh thân yêu, để các em được đối đãi công bằng, yêu thương như nhau mỗi ngày đến trường.
Học sinh là ưu tiên hàng đầu
Theo TS Lâm Thị Thu Hường, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, dù là bất kể lý do gì, việc học sinh không được suất ăn riêng vẫn là lỗi của người lớn. Để trẻ phải thắc mắc "Mẹ ơi, sau này lên lớp 2, con có được ăn liên hoan không?" thì thật đáng thương và người đáng trách ở đây là phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm và những người trong ban phụ huynh.
"Khi người lớn thực sự bỏ cái tôi cá nhân xuống, đặt trẻ lên ưu tiên hàng đầu thì sẽ không để xảy ra sự việc đáng tiếc này và đứa trẻ đã được đối xử công bằng, không lạc lõng", nữ tiến sĩ Hường cho hay. Trẻ rất nhạy cảm, nếu thấy không công bằng, các em sẽ thắc mắc, buồn rầu dù không nói ra.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, có thể ban phụ huynh và giáo viên cũng e ngại khi trước đó có thông tin phụ huynh này phản ứng khi con được ăn bánh trung thu cùng lớp. Trong vụ việc này, người mẹ có lỗi khi tự đẩy con mình tách biệt ra khỏi tập thể.
"Chưa nói đến đứa trẻ, hậu quả dễ thấy nhất chính là những ngày qua giáo viên, ban phụ huynh và phụ huynh phải chịu áp lực khủng khiếp từ 'bạo lực mạng'", bà nêu quan điểm và cho rằng, nên để sự việc lắng xuống, người lớn cùng ngồi lại giải hoà, vì con trẻ, vì những ngày sau của các em.
Các cơ quan chức năng ngành giáo dục đã yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lộc chỉ đạo trường Tiểu học Gia Lương làm việc với phụ huynh để được chia sẻ, thông cảm; rút kinh nghiệm chung về mặt quản lý, tránh để xảy ra sự việc tương tự.
Trong buổi họp phụ huynh cuối năm, cô giáo này nhận thiếu sót về mình. "Cô giáo đã nhận lỗi vì chưa linh hoạt", bà Phạm Thị Lý, Hiệu trưởng trường Tiểu học Gia Lương. Đồng thời, vị phụ huynh cũng ẩn bài đăng ban đầu, chấp nhận lời giải thích của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm.
Sự việc xảy ra ở lớp 1C của trường, hôm 24/5. Trước đó, ban đại diện phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm đã gửi thông báo lên nhóm Zalo về kế hoạch liên hoan cuối năm.
Được nhiều phụ huynh đồng thuận, các bên thống nhất tổ chức tiệc nhẹ với bánh gato, kẹo bánh khác và một phần ăn nhanh. Với phần ăn này (đùi gà kèm xúc xích và khoai tây chiên), phụ huynh chuẩn bị 31 suất, dù lớp có 32 học sinh. Lý do là một gia đình không có ý kiến trên nhóm, không đóng quỹ.
Tại buổi tiệc, học sinh này vẫn được ăn bánh, kẹo, nhưng không có suất đùi gà riêng mà ăn chung cùng các bạn. Kết thúc buổi liên hoan, mẹ học sinh đăng thông tin trên Facebook, cho rằng con mình "không được suất ăn" trong buổi liên hoan lớp. Thông tin sau đó lan truyền nhanh trên mạng xã hội. Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương, nhà trường đã có báo cáo liên quan vụ việc.
Bình luận