Với mong muốn tạo ra sân chơi ngoại ngữ dành cho các "nhà triết học nhí" từ lớp 4 - 9 trên cả nước, trường Phổ thông liên cấp Olympia phối hợp cùng National Geographic Learning Việt Nam và nhà xuất bản Đại học Oxford (Oxford University Press) tổ chức cuộc thi tiếng Anh triết học thường niên Junior Philosophy Olympiad 2024: Thich Nhat Hanh & NextGen (JPO 2024).
Cuộc thi được tổ chức với mục tiêu giới thiệu tư duy triết học, khích lệ trẻ tìm hiểu, nghiên cứu những nội dung nhân văn sâu sắc, từ đó hình thành nhân sinh quan và bản ngã trên hành trình trưởng thành.
Hơn cả một cuộc thi tiếng Anh, đây là một hành trình học triết thông qua ngoại ngữ, cơ hội để học sinh trau dồi tư duy phản biện, năng lực phản tư, khả năng nghiên cứu. Ở mỗi mùa JPO, các học sinh sẽ được khám phá học thuyết, quan điểm của một triết gia nổi tiếng trong lịch sử nhân loại.
Năm 2023, JPO thu hút được hơn 200 thí sinh thuộc 68 đội thi đến từ 30 trường phổ thông trên khắp các tỉnh thành như: Hà Nội, Lào Cai, Bắc Giang, Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng, đồng thời nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các thí sinh, phụ huynh và báo chí, dư luận.
Năm nay, JPO năm nay trở lại với chủ đề “Thich Nhat Hanh and NextGen" (tạm dịch: Thích Nhất Hạnh và thế hệ tương lai). Các thí sinh sẽ đào sâu và tìm hiểu tư tưởng triết học của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về các vấn đề như: Hạnh phúc, cảm xúc nội tâm, những khái niệm trừu tượng về thời gian.
Đối tượng tham gia cuộc thi là học sinh từ lớp 4 - 9 đang theo học tại các trường phổ thông Việt Nam và Quốc tế. Học sinh đăng ký theo đội gồm 3 thành viên, theo 2 bảng tương ứng với khối học của mình: Bảng Griffin: Dành cho học sinh lớp 4 - 6 và Olympia: Dành cho học sinh lớp 7 - 9.
Thí sinh tham gia cuộc thi sẽ phải trải qua 4 vòng đấu kịch tính. Cụ thể ở vòng 1 Thi online: Các nhóm sẽ trả lời câu hỏi triết học về hạnh phúc, thời gian... qua video 90 - 180 giây. Top 10 đội có điểm thi cao nhất của mỗi bảng Griffin (dành cho học sinh khối 4 - 6) và bảng Olympia (dành cho học sinh khối 7 - 9) sẽ đi tiếp vào vào vòng 2.
Tại vòng 2 thí sinh sẽ thi viết, ban giám khảo sẽ đưa ra đề bài mở buộc học sinh phải vận dụng tư duy đa chiều, sâu sắc để giải quyết câu hỏi được nêu ra. Từng nhóm trong Top 10 cần thống nhất với nhau về định hướng trả lời câu hỏi cho đề bài. Mỗi thành viên trong nhóm sau đó sẽ viết bài luận cá nhân đảm bảo tính tương hỗ, thống nhất giữa các bài luận và làm nổi rõ định hướng trả lời câu hỏi của nhóm.
Vòng 3 thi thi tranh biện: Top 10 đội thi của vòng 2 tiếp tục bước vào vòng 3 để tranh biện trực tiếp về các chủ đề triết học của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Cuối cùng là vòng 4, chung kết: 2 đội thi cao điểm nhất vòng 3 của mỗi bảng, sẽ được chọn vào chung kết thi tranh biện về chủ đề và yêu cầu với độ khó cao hơn. Đội ngũ ban giám khảo của cuộc thi đều là những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong những lĩnh vực khác nhau sẽ đánh giá năng lực của các đội một cách khách quan nhất.
Bình luận