Đánh thầy cô như là vô lễ với cha mẹ mình
Rất nhiều trường hợp học sinh đánh thầy cô giáo đã xảy ra
Khi được hỏi về vấn nạn học sinh đánh thầy cô giáo đang ngày càng diễn ra nhiều hiện nay, nhiều học sinh đều tỏ ra rất bất bình trước những hành động vô lễ của những cậu học trò ngỗ ngược.
Kiều Thị Hằng lớp 8C (trường THCS Tích Giang, Phúc Thọ, Hà Nội) chia sẻ rằng ở trường em đang theo học chưa có sự việc học sinh đánh thầy cô giáo nhưng Hằng cũng đã được nghe nhiều trường hợp thông qua đài báo, ti vi.
“Em cảm thấy lo lắng và sợ hãi, không hiểu vì sao lại có những học sinh thô lỗ và thiếu đạo đức như thế. Sợ là bởi vì hành động đó không phải là của một học sinh nữa mà là của một kẻ lưu manh, không có đạo đức”. Hằng bức xúc chia sẻ.
Cô bạn này cho rằng không phải tất cả học sinh hiện nay đều không tôn sư trọng đạo. Theo Hằng được biết thì hầu hết những bạn học sinh đánh thầy đều là những bạn thường xuyên vi phạm nội quy của nhà trường, bị thầy giáo nhắc nhở nhiều lần dẫn đến hành vi trái với đạo đức. Kiều Thị Hằng
“Đó là một hành động sai không nên có của một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Thầy vẫn mãi là thầy, là người cha thứ hai của chúng em. Qua sự việc này, em muốn nói là các bạn hãy học tập thật chăm chỉ đừng phụ lòng của cha mẹ, thầy cô đã nuôi nấng và dạy dỗ chúng ta nên người, đừng để truyền thống “tôn sư trọng đạo” dần bị mai một”. Hằng thẳng thắn bày tỏ.
Cũng đồng tình với quan điểm của Hằng, em Đỗ Văn Tú ( 10A4 Trường THPT Hồng Thái, Đan Phượng, Hà Nội) thấy rất bức xúc trước vụ việc học sinh Trần Văn Việt (1995) lớp 12C3 Trường THPT Đặng Thai Mai, Nghệ An cùng hai bạn mình chặn đánh thầy giáo Hoàng Xuân Đông đến bất tỉnh phải cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Thanh Chương – Nghệ An.
Ngoài ra còn rất nhiều các trường hợp khác học sinh cũng đánh thầy cô giáo của mình.
Tú chia sẻ ‘“Đó là hành động không thể chấp nhận được, là một hành động vô giáo dục đáng được lên án. Thầy cô ví như cha mẹ thứ hai của mình mà lại có những hành động như vậy thì khác gì vô lễ với chính cha mẹ ruột của mình. Hành động đó có nhiều nguyên nhân tác động nhưng ý thức của bản thân mình là chính”.
Trong khi đó, bạn Đỗ Thị Lan (11A2 – Trường THPT Đan Phượng, Hà Nội ) lại thẳng thắn cho rằng học sinh bây giờ theo lối suy nghĩ mới, thời đại ngày càng tiến bộ học sinh không còn ngoan hiền như trước.
“Các bạn tự cho mình cái quyền được như thế và coi đó là một quyền tự do cá nhân. Nhưng những hành động đánh thầy cô giáo đến nỗi phải nhập viện vì bất kể lý do gì thì đó cũng là những hành động đi ngược lại với đạo lý, truyền thống “ Tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt. Được đi học mà các bạn cư xử như vậy thì các bạn cũng không nên đi học để làm gì?”. Cô bạn này chia sẻ.
Còn đâu “tôn sư trọng đạo”
Cũng đang học tại một ngôi trường từng có trường hợp học sinh đánh thầy giáo, em Phạm Ngọc Hải ( lớp 11B - Trung Tâm Giáo dục Thường xuyên, Kim Bảng, Hà Nam) lý giải việc học sinh đánh thầy giáolà do giáo viện gây khó dễ cho học sinh như làm bài nhiều, cho điểm kém.
“Các bạn học ở trường này chỉ có nhu cầu có được cái bằng cấp III nên ít người học hành gì, ngồi trong lớp thì quậy phá là chính, trêu tức giáo viên, giáo viên phạt, giáo dục thì quay ra đánh”. Hải lý giải về hành động của một số bạn học sinh.
Một phụ huynh chia sẻ: “Những học trò ngày nay cũng đang dần mất đi tính tôn sư trọng đạo. Thời tôi đi học, thầy giáo bảo gì là phải chăm chú lắng nghe răm rắp. Bây giờ xã hội phát triển kèm theo đó là có ngày càng nhiều những hình ảnh không đẹp từ những bộ phim, tranh truyện nước ngoài ảnh hưởng đến các cháu. Các cháu ở độ tuổi này dễ bị ảnh hưởng tâm lý và hay có sự học đòi”.
Ông Hoàng Văn Tuyển (Xóm 3, Phương Đàn, Kim Bảng, Hà Nam)
Ông Hoàng Văn Tuyển (Xóm 3, Phương Đàn, Kim Bảng, Hà Nam) cũng lý giải nguyên nhân dẫn tới những hành động ngỗ ngược của một số học sinh: "Học sinh là cái lứa tuổi dở dang, dễ bị cám dỗ. Các em bây giờ lười lao động lắm chỉ biết hưởng thụ, thấy bạn bè có đồ gì hay là bắt chiếc đòi bố mẹ mua. Bố mẹ không mua thì bực tức tỏ thái độ không hài lòng luôn. Nguyên nhân của tình trạng trên phần lớn là do cách giáo dục của bố mẹ, tâm lý bố mẹ ai cũng muốn con mình sướng không phải làm gì?.”
Cũng đồng tình với ý kiến của ông Tuyến, bà Phạm Thị Loan (xóm 5, An Đông, Kim Bảng, Hà Nam) chia sẻ: “Bố mẹ phải phối hợp với nhà trường trong giáo dục con cái, ngày càng có nhiều tình trạng học sinh vô lễ với thầy, cô. Trước những tình trạng như vậy nhà trường cần có những hình phạt thích đáng mang tính giáo dục các em. Về phía gia đình cũng cần phải có những biện pháp để giúp các em hiểu rõ những hành động sai trái của mình.”
Để các em học sinh có được cái hiểu sâu hơn về tầm quan trọng của việc học đòi hỏi nhà trường phải có các chính sách hỗ trợ và giáo dục riêng, việc này đòi hỏi sự phối hợp nhiều từ phía gia đình học sinh.
Bình luận