Vụ việc một số học sinh lớp 9 trường THCS Khánh Thượng (Ba Vì, Hà Nội) bị ép vào đường dây "mua bán trinh tiết" khiến dư luận vô cùng bức xúc, bởi đó là những hành vi trái nhân tính, trái đạo đức của những kẻ kinh doanh trục lợi từ thân xác trẻ em.
PGS.TS Trần Thu Hương, Giảng viên tâm lý Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn cho rằng, sự việc này rất nghiêm trọng và hậu quả sẽ kéo dài nhiều năm trong tâm lý của các em.
Thực tế, các nguyên nhân thúc đẩy đến hành vi bị ép “mua bán trinh tiết” của các học sinh lớp 9, trường THCS Khánh Thượng (Hà Nội), mới chỉ là phỏng đoán. Có nhiều yếu tố tác động từ bên ngoài đến hành vi như đe dọa, hoàn cảnh gia đình, tâm sinh lý, môi trường sống tiếp xúc, cộng đồng.
“Chúng ta cần xác định rõ nguyên nhân đến từ đâu mới có cách giải quyết tâm lý để các em không bị khủng hoảng. Dù vậy cũng không nên đổ lỗi vì gia đình khó khăn, bố mẹ không quan tâm. Căn bản nhất là chính kiến, tâm lý của các em yếu, không làm chủ được suy nghĩ của mình mới để xảy ra vết trượt như vậy”, PGS Hương nhấn mạnh.
Sự việc này vượt qua sự kiểm soát của nhà trường, nó liên quan đến yếu tố hình sự xã hội. Sự chia sẻ trong gia đình kém cũng khiến các em cảm thấy đơn độc và khép mình lại, mặc cho đúng sai.
Hành vi “mua bán trinh tiết” đó bị phát hiện và công an đang điều tra. Nhưng điều cần làm nhất lúc này theo tiến sĩ Hương là vá lành tâm lý cho các em học sinh, trước khi có những sự việc đáng tiếc hơn xảy ra.
Học sinh lớp 9, tạm gọi là nạn nhân bị ép “mua bán trinh tiết” nhận thức về hậu quả rất non nớt. Các em chưa thể hiểu được những hệ lụy để lại cho bản thân.
Dẫu là nguyên nhân gì, động cơ nào thì đây là lúc các em đang lo lắng, hoảng sợ. Các em sợ bị bạn bè chê bai, xa lánh; sợ bị xã hội phát hiện ra mình… Tâm lý các em đang rất suy sụp và nặng nề.
"Nếu không can thiệp giáo dục tâm lý kịp thời, các em sẽ bị rơi vào hai chiều hướng: một là chán nản, rầu rĩ, trầm cảm và thậm chí nghĩ quẩn; hai là sinh ra hành động bất cần đời, mặc kệ tất cả sự giáo dục", tiến sĩ Hương nói.
Đây là độ tuổi có thể vượt qua mọi giới hạn vì đó là khủng hoảng của tâm lý tuổi vị thành niên. Vì thế trước khi công an điều tra lấy lời khai, thì nên có công tác tư vấn tâm lý để ổn định tinh thần, cởi mở, hợp tác, thành khẩn khai báo với cơ quan chức năng, sớm tìm ra kẻ “chăn dắt mua bán trinh tiết".
Qua sự việc lần này, PGS Hương cho rằng, cần thực hiện tốt hơn nữa công tác tư vấn tâm lý giáo dục cho các em học sinh trong độ tuổi vị thành niên. Thầy cô giáo vẫn là người đóng vai trò chính trong việc thấu hiểu tâm sinh lý, nguyện vọng của các em để kịp thời đưa ra biện pháp uốn nắn.
Cô giáo Trần Thị Tuyết Mai, trường THPT Đoan Hùng (Phú Thọ) sốc khi biết thông tin học sinh lớp 9 bị ép “mua bán trinh tiết”. Cô cho rằng cần sớm tìm ra kẻ dụ dỗ các em, ngăn chặn ngay những sự việc tương tự sẽ xảy ra.
Ở góc độ khác cô Mai thẳng thắn cho rằng học sinh lớp 9 có thể nhận biết đúng, phải, sai, trái nên làm và không nên làm điều gì. Khi sai phạm, chúng ta luôn viện cớ cho hoàn cảnh gia đình khó khăn, không được quan tâm đúng mức… Nhưng đó không phải nguyên nhân của lỗi lầm.
Trên cương vị một nhà giáo, kinh nghiệm hơn 20 năm làm chủ nhiệm lớp, cô Tuyết Mai cho rằng, nên xem xét lại trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm lớp. Giáo viên chủ nhiệm lớp không đơn thuần chỉ là quản lý sĩ số của 30- 40 học sinh. Chúng ta cần nắm bắt được cả tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình và thậm chí là những chuyện thầm kín của các em.
Có rất nhiều kênh thông tin có thể khai thác, từ bạn bè của học sinh, gia đình, hàng xóm… Khi nào hiểu được hoàn cảnh của các em thì mới lý giải được những hành động, sự việc của học trò mình.
"Sự việc đáng tiếc đã xảy ra, nhưng một lần nữa cảnh tỉnh cho gia đình và nhà trường, cần quản lý và theo sát học sinh của mình hơn nữa. Kịp thời phát hiện và giáo dục các em bằng những ứng xử mềm, nắn chỉnh tâm lý đi theo đúng hướng ngay từ những cấp học dưới", cô Tuyết Mai nói.
Bình luận