• Zalo

Học sinh bàn về sự sai lầm của tuổi trẻ

Giáo dụcThứ Tư, 06/03/2019 08:05:00 +07:00Google News

Phần ngữ liệu của đề thi môn Ngữ văn 12 trong kì thi học sinh giỏi ở TP.HCM được nhiều giáo viên đánh giá hay, thiết thực và gần gũi với tâm lí lứa tuổi học sinh.

Ngày 5/3, Sở GD&ĐT TP.HCM đã tổ chức kì thi học sinh giỏi cấp thành phố cho học sinh khối 12 không chuyên.

Riêng môn Ngữ văn, đề ra 2 câu (Nghị luận xã hội 8 điểm, Nghị luận văn học 12 điểm) với thời gian 120 phút.

Theo đó, ở câu Nghị luận xã hội có nội dung: “Trong tập thơ Có người sực tỉnh cơn mơ…, nhà thơ trẻ Nguyễn Thiên Ngân trải lòng: Mình cậy trẻ, dễ phá đi làm lại/ Chút sai lầm, chưa sửa đã toan buông/ Rồi đến lúc chẳng còn nhiều lựa chọn/ Đành yên lòng chấp nhận chuyện sai hơn. Đề yêu cầu thí sinh viết về một bài học cuộc sống rút ra được từ bài thơ.

Thầy Phạm Thanh Hùng, tổ trưởng chuyên môn tổ Ngữ văn ở quận Bình Tân (TP.HCM) nhận xét, đây là câu hỏi hay, vấn đề nêu ra thiết thực và gần gũi với lứa tuổi học sinh mới lớn - tuổi thường gặp nhiều va vấp trong cuộc sống.

Cũng theo thầy Hùng, từ đề văn học sinh cần nhận thức được rằng, tuổi trẻ gặp sai lầm là chuyện rất bình thường. Bởi sai lầm khi bạn còn trẻ dễ được người đời thông cảm, chấp nhận hơn và còn có thời gian để làm lại. Tuy vậy, tuổi trẻ cũng cần phải hạn chế tối đa những sai lầm vì nó khiến chúng ta hao tốn công sức, thời gian, tiền bạc không đáng có.

dethihsgnguvan_euwn 3

 Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn 12 TP.HCM 

Còn giáo viên Nguyễn Văn Đăng chuyên dạy học sinh giỏi ở Quận 10 TP.HCM bày tỏ, đề thi rất mở và học sinh phải thấy rằng, trong cuộc sống chúng ta đều có những vấp ngã, những sai lầm trong đời, dù muốn dù không thì chúng cũng sẽ xuất hiện trên con đường đi đến ước mơ của bạn.

"Nhưng tuổi trẻ chỉ có quyền mắc sai lầm 1 lần, vì khi bạn mắc sai lầm lần hai, có nghĩa là bạn quá dễ dãi với bản thân mình. Nếu biết sai lầm nhưng vẫn lặp lại, bạn đã thiếu tôn trọng bản thân, và làm cho người khác thất vọng. Sai lầm để lớn lên, để trải nghiệm, để cuộc sống thêm ý nghĩa, nhưng bạn chỉ được mắc một lần và rút kinh nghiệm.

Bạn không thể bao biện cho sự yếu kém của bản thân bằng cách đổ lỗi cho hoàn cảnh và xem việc mắc sai lầm như một điều hiển nhiên", giáo viên Đăng nói thêm.

Sinh viên Nguyễn Thị Anh Đào (Đại học Kinh tế - Luật, TP.HCM) từng đoạt giải Nhì môn Ngữ văn kì thi học sinh giỏi cấp thành phố năm 2018 cho biết, đề thi mở, gần gũi với tuổi 18 nên có rất nhiều "đất" cho học sinh bày tỏ suy nghĩ, quan điểm.

"Tuổi trẻ là của bạn, cuộc sống là của bạn. Tuổi trẻ có quyền được thử nghiệm, trải nghiệm, được quyền sống theo ước mơ và có quyền sửa sai. Chính vì vậy, hãy sống hết mình và biết lắng nghe, biết học hỏi từ những sai lầm. Bạn có quyền lựa chọn cách sống của mình, có quyền thay đổi, có quyền vấp ngã và đứng dậy sau những khó khăn", sinh viên Đào nêu quan điểm.

Nói về yêu cầu đề thi, thành viên hội đồng biên soạn đề thi Sở GD&ĐT TP.HCM chia sẻ, câu nghị luận xã hội, học sinh có quyền phản biện để bảo vệ quan điểm của mình sao cho thuyết phục giám khảo về suy nghĩ của mình về thời gian, về tuổi trẻ.

PHAN THẾ HOÀI
Bình luận
vtcnews.vn