Cho rằng mức học phí rẻ khiến người học ở nhiều nước, nhất là Trung Quốc đánh giá thấp chất lượng giáo dục đại học của quốc gia, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe ngày 19/11 cho biết nước này sẽ tăng học phí 16 lần đối với sinh viên ngoài châu Âu.
Đây được cho là biện pháp nằm trong “Welcome to France” - kế hoạch thu hút sinh viên quốc tế, nhằm cạnh tranh với các nước như Đức, Nga, Canada, Trung Quốc - những nước đang có số lượng sinh viên nước ngoài tăng nhanh.
Dù Pháp đưa ra khá nhiều ưu đãi khác về visa, học bổng nhưng việc tăng học phí quá nhiều vẫn khiến nhiều người tỏ ý định “quay lưng” với giáo dục đại học nước này.
Vỡ mộng du học Pháp
Trước quy định mới về học phí, nhiều sinh viên nước ngoài cảm thấy du học Pháp không còn sức hút như ban đầu.
Đức Anh, du học sinh tại ĐH Claude-Bernard Lyon 1, cho biết phần lớn người học chọn Pháp vì học phí rẻ và chi phí sinh hoạt thấp. Việc tăng học phí gấp 16 lần sẽ làm khó sinh viên nước ngoài, đặc biệt những người có điều kiện kinh tế không tốt.
Bảo Nguyên, du học sinh Canada, không đánh giá cao tính khả thi của “Welcome to France”. Anh cho rằng mức học phí trường công thấp, ngang với sinh viên châu Âu, là yếu tố giúp Pháp thu hút hơn 320.000 sinh viên trong cuộc cạnh tranh với các nước khác. Khi học phí tăng lên hàng nghìn euro, mục đích 500.000 người học rất khó thực hiện.
Mức học phí mới cũng khiến nhiều bạn trẻ Việt Nam quyết định từ bỏ giấc mơ Pháp. Phương Thùy, sinh viên ở Hà Nội, vốn định du học Pháp sau khi tốt nghiệp đại học cho biết cô sẽ nghĩ lại vì học phí mới quá sức với gia đình. Nữ sinh cũng lo ngại Pháp tăng học phí kéo các nước châu Âu khác tăng theo. Nếu vậy, Thùy đành “vỡ mộng trời Tây”.
Nguyễn Hùng cũng cảm thấy cần xem xét lại việc du học Pháp. Nếu phải đóng học phí 3.700 euro cho chương trình thạc sĩ tại đây, nam sinh này tính đến việc thêm ít tiền nữa để du học tại các nước nói tiếng Anh.
Không chỉ du học sinh Việt Nam, sinh viên các nước ngoài châu Âu cũng lo ngại về việc tăng học phí. Lina Laddada (Canada) cho rằng mức học phí mới đang làm khó sinh viên nước ngoài, những người dưới 25 tuổi và chưa có công việc, chủ yếu sống phụ thuộc gia đình.
“2.000 euro là thu nhập của người lao động bình thường trong 20 tháng tại một số quốc gia. Với quy định làm thêm tối đa 20 tiếng mỗi tuần, làm sao du học sinh, đặc biệt các bạn từ châu Phi, chi trả nổi cho việc học tại Pháp?”, Lina đặt câu hỏi.
Tăng học phí để chọn lọc tốt hơn
Ở góc nhìn khác, không ít người nhận định việc tăng học phí là hợp lý đối với những người không đóng thuế hoặc bố mẹ họ không đóng góp gì cho nước sở tại.
Nhật Minh, du học sinh tại Lyon, cho rằng mức học phí 3.800 euro không cao so với các nước khác. Ngoài ra, sinh viên nước ngoài còn được nhận trợ cấp. Do đó, chi phí cho một tấm bằng đại học Pháp không quá đắt đỏ.
TS Nguyễn Phi Hùng, cựu du học sinh, hiện làm việc tại Pháp, cho rằng dù tăng học phí lên 16 lần, nước này vẫn phải bù lỗ. Do đó, chi phí du học Pháp vẫn ở trong mức chấp nhận được so với các nước khác.
Ông nói thêm việc nâng học phí sẽ giảm được số lượng lớn “danh sách đen” - những người lợi dụng visa du học để kiếm việc làm. Học phí mới giúp Pháp định hướng lại đối tượng trong quá trình cải tổ giáo dục đại học.
TS Hùng cho biết hiện tại, chất lượng du học sinh tại nước này không tốt, một phần vì học phí thấp, sinh viên nước nghèo tìm đến nhiều. Dù không học được gì, họ vẫn cố ở lại. Thực tế, 45% du học sinh tại Pháp đến từ châu Phi.
Ông lý giải bước đầu, chính sách mới giảm số lượng sinh viên nước ngoài nhưng đồng thời thu hút được sinh viên giỏi bằng cách tăng gấp đôi học bổng. Du học sinh cũng có ý thức học hơn để đáng đồng tiền bỏ ra. Điều này có lợi cho tương lai của Pháp.
Tiếp đó, số tiền học phí từ sinh viên nước ngoài được dùng để đầu tư vào cơ sở vật chất, cải thiện chất lượng giáo dục. Nhờ vào hình ảnh mới, trong tương lai, đại học Pháp không chỉ thu hút sinh viên từ các nước nghèo mà còn thành điểm đến cho người học từ các nước phát triển.
TS Nguyễn Phi Hùng thừa nhận mức học phí cao gấp 16 lần sẽ giảm cơ hội du học của những bạn học tốt nhưng hoàn cảnh kinh tế không cho phép. Tuy nhiên, chính phủ Pháp cũng đưa ra nhiều ưu đãi với mục tiêu chọn lọc du học sinh. Ông cho rằng sàng lọc là điều tất yếu trong mọi tổ chức, doanh nghiệp hay đất nước nếu muốn vận hành tốt.
“Pháp đang thay đổi cách tuyển dụng tốt hơn cho đất nước trong tương lai. Đây là bước đi rất dũng cảm của chính quyền ông Macron”, TS người Việt nhận định.
Kế hoạch “Welcome to France” được đưa ra trong bối cảnh số lượng sinh viên nước ngoài tại Pháp giảm 8,5% giai đoạn 2011-2016. Tình hình được cải thiện trong những năm gần đây nhưng Pháp vẫn phải đối mặt sự cạnh tranh ngày càng mạnh từ các quốc gia khác như Đức, Nga, Canada, Trung Quốc.
Theo chính phủ Pháp, mức học phí quá rẻ khiến người học ở nhiều nước, đặc biệt Trung Quốc, đánh giá thấp chất lượng giáo dục đại học nước này.
Vì thế, họ quyết định tăng học phí chương trình cử nhân từ 170 euro lên 2.700 euro, chương trình thạc sĩ và tiến sĩ từ 243 euro lên 3.700 euro. Mức học phí mới được áp dụng đối với sinh viên nước ngoài nhập học từ tháng 9/2019 (sinh viên đang theo học ở Pháp không bị ảnh hưởng). Nó thấp hơn so với Hà Lan hay Anh, đồng thời Pháp vẫn phải hỗ trợ 2/3 chi phí học tập cho sinh viên ngoài châu Âu.
Một phần trong số học phí tăng thêm sẽ được sử dụng để tăng số lượng học bổng Bộ Ngoại giao dành cho sinh viên quốc tế. Nước này cũng đơn giản hóa quá trình cấp visa cho sinh viên ngoài châu Âu. Sinh viên có thể nộp đơn xin visa trực tuyến. Từ tháng 3 năm sau, người nước ngoài tốt nghiệp thạc sĩ tại Pháp được cấp thị thực cư trú để tìm làm việc ở nước này.
Với các biện pháp trên, Chính phủ Pháp đặt mục tiêu tăng số lượng sinh viên quốc tế lên 500.000 vào năm 2027 từ mức 324.000 hiện tại
>>> Đọc thêm: Cuộc sống của sinh viên ở những khu ký túc xá ổ chuột
Bình luận