• Zalo

Học phí cao, nhiều thí sinh phân vân trước ngưỡng cửa đại học

Giáo dụcChủ Nhật, 07/08/2016 07:12:00 +07:00Google News

Với nhiều thí sinh, học phí cao ở nhiều trường đã và đang là trở ngại lớn nhất cho con đường vào đại học.

Đợt xét tuyển đại học, cao đẳng đầu tiên năm 2016 đã đi được hơn 1/3 chặng đường, nhiều thí sinh đang rất cật lực nghiên cứu về cơ sở học tập, điểm đầu vào và vấn đề học phí để lựa chọn cho mình một trường đại học xứng đáng với điểm số cũng như phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Với nhiều bạn, học phí cao ở nhiều trường đã và đang là trở ngại lớn nhất cho con đường vào đại học.

 

Học phí nhiều đại học cao và dự báo tiếp tục tăng Trong những ngày kỳ tuyển sinh diễn ra, vấn đề học phí đang là mối quan tâm hàng đầu của các thí sinh và phụ huynh có con em đang đứng trước con đường vào đại học.

Với họ, bài toán học phí của nhiều trường đại học đang ở mức cao quá tầm chưa tìm ra hướng xoay sở thì lại có thông báo tăng học phí năm học tiếp theo khiến không ít người chùn bước.

Đơn cử như Trường ĐH Kinh tế TP.HCM giai đoạn 2014 - 2017, mức học phí bình quân đối với các chương trình đại trà từ năm học 2014 - 2015 là 13 triệu đồng/sinh viên/năm; năm học 2015 - 2016 tăng lên 14,5 triệu đồng và năm học 2016 - 2017 lên tới 16,5 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, các trường có mức thu học phí vào khoảng dưới 10 triệu đồng/năm không nhiều, vả lại hầu hết đều là những trường thuộc hàng top, tiêu chuẩn đầu vào cao khiến các thí sinh không với tới.

Ngược lại, các trường vừa tầm lại có mức thu học phí cao và hầu hết đều là những trường tư thục. Điều này vô tình đẩy các thí sinh vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”: Một là vào đại học và chịu mức học phí cao trong 4 năm, hai là quên đi hai từ “đại học”.

Cô Nguyễn Thị Tình (đưa con đi nộp hồ sơ tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM) chia sẻ quan niệm: “Theo cô thì nên chấp nhận và tiếp tục học bởi nếu có cơ hội thì mình cứ học cho sau này đỡ khổ, khó khăn thì vay mượn mà học rồi sau này đi làm trả sau, học cho có cái nghề đàng hoàng thì cũng khá hơn nhiều người khác”.

Những phân vân bắt đầu xuất hiện từ vấn đề học phí

quay-thu-hoc-phi

 

Trên thực tế, hầu hết các thí sinh tham gia xét tuyển đều lo lắng về vấn đề học phí cao và tăng liên tục. Điều này khiến thí sinh phân vân rằng liệu nên theo hay bỏ ngỏ con đường vào đại học?

Kim Thoa (thí sinh tham gia xét tuyển năm 2016) chia sẻ: “Cái khó nhất là ở vấn đề học phí bởi nhà em cũng không khá giả gì, thu nhập gia đình không được ổn định lại đang có tới 4 anh em cùng đi học, học phí cao thế này chắc em bỏ ngỏ con đường vào đai học”.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải là không có cơ hội cho các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn mà là những cơ hội đó đi quá tầm với.

Từ trong quy chế tuyển sinh hiện nay, muốn trúng tuyển vào một đại học nào đó cần phải trải qua kỳ xét tuyển với nghiên cứu kỹ nhiều vấn đề từ điểm trúng tuyển năm trước, chỉ tiêu tuyển năm nay, tỷ lệ chọi… đã khiến nhiều thí sinh đau đầu. Đã vậy, học phí cao của nhiều trường đại học và thông báo tăng học phí những năm tiếp theo khiến nhiều thí sinh không dám bước chân vào đại học vì sợ kham không nổi, dễ “đứt gánh giữa đường” vì thiếu tiền.

Một số khác thì lại phân vân trong việc chọn trường sao cho phù hợp với bản thân và hoàn cảnh kinh tế gia đình để không phải lo nhiều về vấn đề học phí. Dù đã cận kề ngày khai giảng nhưng cánh cửa đại học vẫn nặng trĩu nỗi lo chi phí lẫn con đường tương lai của các sĩ tử. 

(Nguồn: songmoi.vn)
Bình luận
vtcnews.vn