Nguyễn Văn Đức (SN 1996) có SBD 48002631, đạt điểm thi tổ hợp khối C khá cao, với Ngữ văn 9; Lịch sử 9,5; Địa lý 9,75. Nam sinh này kém của thủ khoa khối C của cả nước 0,5 điểm.
Thuộc chế độ ưu tiên 03, Đức được cộng 2 điểm ưu tiên và 0,5 điểm vùng. Tổng cộng nam sinh đạt 30,75 điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019.
Từ học sinh kém đến đạt điểm cao nhất lớp
Sau 3 năm hoàn thành nghĩa vụ tại Công an huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai, tháng 3 vừa qua, Đức xuất ngũ, bắt đầu “khăn gói quả mướp” ra Hà Nội ôn thi THPT Quốc gia. Đức theo học và ở nội trú tại thủ đô để ôn thi trong thời gian 4 tháng.
“Thời gian gấp quá nên em gặp nhiều khó khăn. Ban đầu, em là người kém nhất lớp, làm văn chưa hết một tờ giấy, thừa 30 phút ngồi chơi. Nhờ giáo viên tận tình giảng dạy, truyền cảm hứng, em cũng khá dần lên”, Đức tâm sự.
Hiện, chàng trai này cũng là học sinh đạt số điểm cao nhất của lớp ôn thi.
Nguyễn Văn Đức cho hay trước đó, em tự học, đọc sách nhưng không được nhiều, vì trong thời gian làm nghĩa vụ. Khó khăn chung của những người ôn thi lại đại học là kiến thức hụt nhiều. Chỉ khi tập trung cao độ, toàn thời gian cho kỳ thi, Đức mới phát huy được khả năng học.
Chàng trai này bảo em theo học cả khóa online, offline và cả bạn bè. Ngoài những giờ học trên lớp tập trung cao độ, Đức mở các video bài giảng để nghe bất cứ lúc nào, khi nấu cơm hay chuẩn bị đi ngủ. Cậu thậm chí không nhớ mình học mỗi ngày bao nhiêu tiếng, cứ mệt rồi nghỉ, dậy lại học tiếp.
Ước mơ được làm việc trong ngành công an, quân đội, nam sinh nộp hồ sơ vào trường Sĩ quan Chính trị. Năm 2018, trường này lấy 24 điểm (nam sinh miền Nam) và 25,75 điểm (nam sinh miền Bắc).
Học quên ăn, ngủ
Thầy Tạ Quang Quyết - giáo viên dạy Đức - nhớ rất rõ hình ảnh cậu học trò vượt hơn 1.500 km từ Đồng Nai ra Hà Nội trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Nhưng khoảng cách địa lý, sự thiết hụt kiến thức ban đầu không làm em chùn bước.
Đặc biệt, thời gian đó, nam sinh nhiều lần phải về Đồng Nai làm hồ sơ vào trường quân đội, nên mất nhiều thời gian.
“Phải đi ôtô hay tàu hỏa liên tục nhưng cứ xong việc Đức lại bắt xe ra Hà Nội học; học quên ăn, ngủ. Đức chín chắn, từng trải, động lực rất cao. Thậm chí, có những ngày, Đức chỉ ngủ 2 tiếng, còn lại dành thời gian học”, thầy Quyết nhớ lại.
Một giáo viên khác dạy nam sinh là thầy Cao Thạch Linh nhận xét Đức là cậu học trò ít nói, có ý chí, chăm chỉ và cố gắng rất nhiều trong học tập và cuộc sống.
"Đức chỉn chu, có phương pháp học khoa học, đặc biệt là môn Văn. Cách viết của em chân thật, chứa đựng suy nghĩ sâu sắc. Còn ở môn Lịch sử và Địa lý, Đức nắm chắc kiến thức cơ bản, tư duy logic tốt", thầy Linh bày tỏ.
Bình luận