Khi con sắp bước vào lớp một cũng là lúc các bậc phụ huynh tất bật xuôi ngược tìm trường cho con. Ai đã từng tìm trường cho con thì mới biết được nỗi gian nan, nhọc nhằn mà các ông bố bà mẹ phải trải qua. Tìm trường cho con có thể đánh đồng với bao nhiệm vụ cao cả khác như nhớ lịch tiêm chủng, cân bằng bữa ăn… mà bố mẹ phải làm cho con yêu.
Các ông bố bà mẹ luôn có cả một danh sách dài các tiêu chí của ngôi trường tương lai mà con mình cần phải được vào học. Nào là địa điểm tiện lợi cho việc đưa đón, rồi thì cơ sở hạ tầng đạt chuẩn, phòng ốc sạch sẽ, chức năng đầy đủ… Kế tiếp phải là chương trình dạy với triết lí giáo dục thuyết phục, sau đó cảm nhận của bạn về cô giáo, ban giám hiệu nhà trường có chuyên nghiệp, thương trẻ như thương con không…?
Khi con thành công với việc làm quen với trường mới, bạn mới, cô thầy giáo mới…; mỗi sáng chia tay bố mẹ với nụ cười rạng rỡ, đến lúc đi học về lại bi ba bi bô kể chuyện trường lớp không ngừng. Thầy cô giáo thì thương trẻ, tận tâm với nghề, chăm chỉ sáng tạo các hoạt động mới mỗi ngày và bạn được cập nhật thường xuyên thông qua trang web của trường. Trường học lại rất chuyên nghiệp khi cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin về chương trình học của con và luôn lắng nghe, cố gắng đáp ứng nhu cầu của mỗi phụ huynh…
Những điều trên giúp các ông bố bà mẹ yên tâm là mình đã chọn được trường phù hợp cho con. Cái mà tôi muốn bàn ở đây là làm sao chúng ta phân biệt giữa học và học hiệu quả.
Vui chơi và khám phá; học tập tích cực; sáng tạo và suy ngẫm là những gì nên diễn ra khi trẻ tương tác với mọi người và môi trường xung quanh. Ba đặc điểm này được hiện diện trong quá trình học và phát triển ở mỗi trẻ, xuyên suốt các lĩnh vực phát triển khác nhau. Chúng được ví như kim chỉ nam giúp ta nhận biết và đánh giá việc học của trẻ có hiệu quả không. Trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ sơ lược 3 đặc điểm giúp con trẻ học hiệu quả bằng hình thức tự đánh giá và trắc nghiệm, giúp cha mẹ dễ dàng nhận ra và liên tưởng đến chúng.
Đặc điểm 1: Vui chơi và khám phá
Bố mẹ cần nhận biết trẻ có tò mò về mọi thứ xung quanh như đồ vật, sự việc và con người hay không? Có sử dụng các giác quan để khám phá thế giới quanh mình? Có dạn dĩ để tham gia các hoạt động mở bên ngoài và thể hiện sự thích thú cụ thể về chúng không?
Ngoài ra, con trẻ đã dám tự mình trải nghiệm những trò chơi mới hay chưa? Cách bé tưởng tượng ra một thế giới khác và nhập vai vào đó, đồng thời lôi cuốn được bố mẹ hoặc chị em vào chơi cùng với mình chính là thái độ tích cực khi bé hoàn toàn tự tin vào bản thân.
Đặc điểm 2: Học tập tích cực
Thông qua đặc điểm 1 ở trên, bố mẹ sẽ biết được con có thường duy trì được sự tập trung khi tham gia các hoạt động không hay dễ bị phân tâm? Đối với những điều trẻ thích thì có bao giờ trẻ kiên trì theo đuổi dù gặp phải trở ngại?
Khi đạt được một thành quả nào đó, trẻ có thể hiện sự thỏa mãn, hài lòng hay hào hứng không? Hoặc mong chờ được bố mẹ khen thưởng?
Đặc điểm 3: Sáng tạo và suy ngẫm
Trong quá trình học và chơi, trẻ có thường nảy ra các ý tưởng độc đáo, mới lạ không? Mỗi khi gặp phải vấn đề khó khăn, trẻ có tìm tòi nguyên nhân và đề ra hướng giải quyết với bố mẹ không?
Vân...vân...
Xin chúc mừng những bố mẹ nào đã bắt gặp các đặc điểm trên ở con của mình! Nếu bố mẹ nào chưa thể 'tick' được nhiều thì cũng xin đừng lo lắng bởi vì "học tích cực" là một thói quen, mà thói quen thì sẽ được hình thành và củng cố trong một thời gian dài. Khi thói quen mới hình thành, trẻ sẽ có lúc nhớ lúc quên, ngược lại khi đã hình thành sau một thời gian - cộng với sự khen ngợi và khuyến khích kịp thời - thói quen sẽ ăn sâu vào tiềm thức và trở thành một phần của trẻ.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia giáo dục trên thế giới, sự thành công ở trẻ tỉ lệ thuận với thái độ mong muốn khám phá và chấp nhận rủi ro. Vậy tự bản thân trẻ sinh ra đã có thái độ mong muốn tích cực này hay có tác động nào giúp trẻ? Xin thưa, trẻ em được sinh ra đã sẵn sàng có khả năng và hứng thú học hỏi. Chúng luôn muốn tiếp cận để tương tác với người khác và thế giới xung quanh. Phát triển là một quá trình tự động nhưng phát triển tích cực lại phụ thuộc vào mỗi cá thể có cơ hội để tương tác trong những mối "quan hệ tích cực" và "môi trường thuận lợi".
Quá trình học hỏi và phát triển của trẻ có mối tương quan mật thiết với các mối quan hệ trong gia đình, xã hội và môi trường xung quanh trẻ. Mỗi đứa trẻ có một mối tương quan riêng biệt, không giống đứa trẻ nào khác. Sự "duy nhất" này phản ảnh văn hoá, giá trị của cộng đồng bố mẹ chọn cho trẻ được tiếp cận mỗi ngày.
Một môi trường tốt phải luôn để trẻ là trọng tâm của việc học, giáo viên và nhà trường chỉ đóng vai trò hỗ trợ, hướng dẫn sẽ tạo ra một thế hệ trẻ tự tin, sáng tạo, biết tiếp cận vấn đề một cách khoa học và yêu khám phá. Đấy không phải là những gì các nhà tuyển dụng tìm kiếm ở nhân viên của mình sao? Hay ngược lại, nhân viên nào lại không thích có sếp tài năng như thế!
Học tích cực sẽ là con đường đặt nền tảng cho sự thành công của con bạn. Thế giới công nghệ ngày càng phát triển sẽ giúp cho mọi thành phần xã hội tiếp cận với thông tin (kiến thức) một cách dễ dàng hơn. "Học" sẽ cung cấp cho trẻ kiến thức nhưng "học tích cực" sẽ cho trẻ kĩ năng tiếp cận vấn đề, bao gồm việc tìm kiếm và học thuộc một kiến thức nào đó.
Cô Nguyễn Trần Tuệ Nghi / Chuyên viên tâm lí - giáo dục
Bình luận