• Zalo

Học ngoài công lập: Không nên mặc cảm

Giáo dụcThứ Hai, 31/10/2011 02:19:00 +07:00Google News

“Các em không nên mặc cảm học trường ngoài công lập. Quan trọng nhất là từ bản thân mỗi em cần có những nỗ lực cũng như trang bị cho mình những kiến thức..."

“Các em không nên mặc cảm học trường ngoài công lập. Quan trọng nhất là từ bản thân mỗi em cần có những nỗ lực cũng như trang bị cho mình những kiến thức cần thiết”. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga chia sẻ.


Mới đây dư luận rất quan tâm đến chủ trương tuyển dụng công chức của tỉnh Nam Định, trong đó có tiêu chí là chỉ tuyển người tốt nghiệp các trường đại học chính quy, công lập. Nhiều ý kiến cho rằng chủ trương này không phù hợp với Luật Giáo dục cũng như chủ trương xã hội hóa giáo dục hiện nay.

Phóng viên đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga về những vấn đề liên quan.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga (Ảnh: Phạm Thịnh) 

PV: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về chủ trương “nói không” với sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập và hệ tại chức trong công tác tuyển dụng công chức của tỉnh Nam Định và trước đây là thành phố Đà Nẵng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Xã hội hiện nay vẫn nhìn nhận về chất lượng hệ công lập, chính quy khác biệt với hệ ngoài công lập, không chính quy. Phải nói là đầu vào các trường công lập cao hơn hẳn so với các trường ngoài công lập, đầu vào của hệ chính quy cao hơn hệ tại chức. Nhưng chất lượng đào tạo là cả một quá trình. Chất lượng đầu vào cũng là 1 thông số chứ không phải là tất cả.

Nếu có đơn vị, cơ quan, hay địa phương nào nói không với tại chức hay ngoài công lập là do họ nhìn vào đầu vào chứ không nhìn đầu ra của sinh viên. Trên thực tế, theo Luật Giáo dục, bằng tốt nghiệp đại học có giá trị pháp lý như nhau, nghĩa là bằng đó đủ để đưa vào hồ sơ. Cho nên việc phân biệt đối xử bằng công lập hay bằng ngoài công lập là không phù hợp với Luật Giáo dục.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng việc không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp các trường ngoài công lập là đi ngược lại với sự phát triển và hội nhập cũng như chủ trương xã hội hóa giáo dục. Thứ trưởng có nhận định như thế nào và nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là ở đâu?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Xã hội hóa là một chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước, thực tế đã mang lại những lợi ích thiết thực trong công tác đào tạo cán bộ. Theo quy hoạch của Nghị quyết 14 của Chính phủ, đến năm 2020, số sinh viên ngoài công lập lên tới 40%, tức là gần 1/2 là sinh viên ngoài công lập. Bởi vì đầu tư của Nhà nước có giới hạn, Nhà nước chỉ tập trung đầu tư những trường đại học chất lượng cao và những trường đại học nghiên cứu, còn đào tạo lao động đại trà phải là trường ngoài công lập. Cho nên số lượng, quy mô trường ngoài công lập sẽ ngày càng cao lên.

Trên thực tế, những trường ngoài công lập của nước ta còn rất non trẻ so với các trường công lập. Có những trường công lập đã trên 100 năm, trong khi nhiều trường ngoài công lập cũng chỉ thành lập mới đây. Vì vậy, các trường ngoài công lập không nên vội vàng mở rộng quy mô, trước hết là tập trung nâng cao chất lượng, xây dựng uy tín, sau đó số người vào học sẽ ngày càng nhiều hơn. Khi đó sẽ có quyền lựa chọn người tốt để đào tạo thành nhân tài. Việc tuyển dụng sau này biết đâu người ta lại ưa chuộng sinh viên những trường ngoài công lập hơn cả sinh viên trường công lập.

PV: Rõ ràng thời gian vừa qua, việc tuyển sinh không đủ chỉ tiêu của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập khiến nhiều người lo ngại về chất lượng đào tạo của khối trường này. Vậy thời gian tới Bộ có chủ trương siết chặt hơn việc quản lý các trường ngoài công lập để nâng cao hiệu quả đào tạo hay không?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Theo chủ trương của Nhà nước về Giáo dục và đào tạo,  không có sự phân biệt nào giữa trường công lập và ngoài công lập, đó là điều cần khẳng định. Do đó chuẩn đầu ra của sinh viên cũng như nhau, không có sự phân biệt.

Nhưng để cho sinh viên những trường ngoài công lập tốt hơn thì các trường cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giảng dạy. Vì đầu vào thấp hơn nên trong quá trình đào tạo phải tăng cường chất lượng để đầu ra tương đương hoặc cao hơn trường công lập. Các trường ngoài công lập cần phấn đấu rất mạnh, không nên nản lòng khi có thể ban đầu ít thí sinh đăng ký vào.

Trong tương lai thì chính các trường ngoài công lập này sẽ là lực lượng đào tạo đội ngũ cán bộ mạnh mẽ, vì vậy quy mô và chất lượng các trường này rất quan trọng trong chủ trương chung đào tạo cán bộ cả nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những giải pháp, quyết sách để chất lượng những trường ngoài công lập càng ngày được nâng cao, để hình ảnh của các trường này trong xã hội được cải thiện lên nhiều.

PV: Là một nhà quản lý giáo dục, một nhà giáo, Thứ trưởng có lời khuyên gì đối với các sinh viên hiện đang theo học tại các trường ngoài công lập?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Thực chất tuyển dụng cán bộ công chức không nhiều so với lực lượng lao động ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tập đoàn… Vì vậy sinh viên phải hướng tới những thị trường lao động rộng rãi hơn nhiều, cho nên phải chuẩn bị cho mình những hành trang kiến thức nhất định để tham gia vào thị trường rộng lớn đó.

Tất cả sinh viên ngoài công lập hay công lập đều bình đẳng như nhau thi thố tài năng, bằng cấp chỉ là thông số ban đầu, 1 giấy thông hành để đi vào thị trường lao động. Vì vậy phải chuẩn bị kiến thức thực tế cho mình, những kỹ năng có sẵn sẽ là thành công trong các cuộc phỏng vấn để lựa chọn cán bộ của các cơ quan, doanh nghiệp, người tuyển dụng lao động.

Cho nên các em không nên mặc cảm học trường ngoài công lập. Quan trọng nhất là từ bản thân mỗi em cần có những nỗ lực cũng như trang bị cho mình những kiến thức cần thiết.

** Xin cảm ơn Thứ trưởng!/.

Theo VOV

 

Bình luận
vtcnews.vn