Ngành An ninh mạng rất quan trọng với các tổ chức như quân đội, y tế, tài chính, ngân hàng, công ty. Đây là những cơ quan lưu trữ khối lượng lớn dữ liệu cần được bảo mật.
Hiện tại, ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển của ngành học này khác cao và có nhiều yêu cầu khắt khe đối với người học.
Điều này cũng đặt ra cho thí sinh thắc mắc, ngành An ninh mạng có yêu cầu cao như vậy liệu khi ra trường có dễ xin việc làm không?
Cơ hội việc làm của ngành An ninh mạng
An ninh mạng là hoạt động bảo vệ thông tin, hệ thống khỏi những cuộc xâm nhập, tấn công kỹ thuật số. Hiểu theo nghĩa đơn giản hơn, an ninh mạng là ngành sử dụng các biện pháp để chống lại mối đe dọa, xâm nhập bất hợp pháp vào ứng dụng hệ thống.
Hiện các tổ chức, doanh nghiệp, an ninh mạng có nhu cầu bảo mật rất cao, đặc biệt là các lĩnh vực như: Ngân hàng, giáo dục, hàng không, quốc phòng, y tế. Tuy nhiên, số lượng nhân lực hoạt động trong ngành này vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng cũng như chất lượng của nhà tuyển dụng.
Nếu đủ chuyên môn và năng lực thì sau khi tốt nghiệp ngành An ninh mạng cơ hội việc làm của bản sẽ rất rộng mở. Với những kiến thức được học, bạn có thể đảm nhận công việc ở các vị trí sau:
- Chuyên viên quản trị bảo mật máy chủ và mạng.
- Chuyên viên bảo mật cơ sở dữ liệu.
- Chuyên viên lập trình và phát triển ứng dụng đảm bảo an toàn thông tin.
- Chuyên viên kiểm tra, đánh giá và đảm đảm an toàn thông tin cho mạng và hệ thống.
Một số trường đào tạo ngành An ninh mạng
Học viện Kỹ thuật Mật mã đang đào tạo 3 chuyên ngành chính liên quan đến An ninh mạng với mức điểm chuẩn trong năm vừa qua lần lượt là: Ngành An toàn thông tin có điểm chuẩn là 25,6 điểm, Công nghệ thông tin lấy 26,2 điểm và Kỹ thuật điện tử 25 điểm.
Tại cơ sở ở TP.HCM, điểm chuẩn ngành An toàn thông tin của Học viện Kỹ thuật mật mã là 25 điểm.
Đại học Bách khoa Hà Nội - năm 2023, lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển đối với ngành An toàn không gian số là 28,05 điểm với 2 tổ hợp môn xét tuyển A00, A01.
Mức học phí của ngành này được đánh giá là khá cao so với mặt bằng chung, dao động từ 35 - 42 triệu đồng/năm học, học phí sẽ tăng theo từng năm.
Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng có bộ môn An ninh mạng thuộc ngành Công nghệ thông tin. Năm 2023, trường tuyển sinh 3 chương trình học đối với ngành Công nghệ thông tin với mức điểm chuẩn lần lượt là:
Công nghệ thông tin (Đặc thù - Hợp tác doanh nghiệp) 25,86 điểm với tổ hợp môn xét tuyển A00, A01, Công nghệ thông tin (ngoại ngữ Nhật) 25 điểm khối A00, A01, D28, Công nghệ thông tin (Đặc thù - Hợp tác doanh nghiệp), chuyên ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo lấy 26,45 điểm khối A00, A01.
Trường Đại học Duy Tân - năm nay, xét ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển đối với ngành An toàn thông tin là 14 điểm với 4 tổ hợp môn xét tuyển A00, A16, A01, D01. Trong khi đó, năm 2022 cũng lấy mức điểm chuẩn là 14 điểm với tổ hợp môn xét tuyển tương tự.
Ngành An toàn thông tin của trường tuyển sinh theo 3 phương thức: Xét kết quả thi THPT, xét kết quả học bạ THPT và xét kết quả thi đánh giá năng lực.
Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc Gia TP.HCM) - năm 2023, tuyển sinh ngành An toàn thông tin với mức điểm chuẩn là 26,3 điểm, xét tuyển 4 tổ hợp môn A00, A01, D01, D07. Trong khi đó, mức điểm chuẩn năm 2022 của ngành này cao hơn với 26,95 điểm, xét tuyển 4 tổ hợp môn tương tự.
Trường tuyển sinh theo 3 phương thức: Tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, xét tuyển dựa trên điểm thi, xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế uy tín.
Bình luận